Các giới chức cho biết phiên họp thứ nhất ở Geneve chỉ kéo dài khoảng 30 phút và chỉ có nhà điều giải Liên Hiệp Quốc Lakhdar Brahimi phát biểu tại cuộc gặp gỡ này.
Một phiên họp khác sẽ diễn ra vào chiều nay và hai phái đoàn sẽ nói với ông Brahimi, chứ không nói với nhau, về các vấn đề nhân đạo.
Chính phủ Syria đã dọa rút khỏi cuộc hòa đàm với phe chống đối nếu đôi bên không bắt đầu điều mà họ gọi là “những phiên họp nghiêm túc” trước ngày thứ bảy. Phe chống đối nói rằng họ sẽ không điều đình trực tiếp với chính phủ Syria trừ phi chính phủ này đồng ý thảo luận về sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad.
Damascus đã bác bỏ yêu cầu đó và tố cáo phe nổi dậy hỗ trợ các hoạt động khủng bố.
Hôm thứ sáu, Đại diện Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc-Liên đoàn Ả Rập Lakhdar Brahimi nói rằng hội nghị sẽ bàn về vấn đề cứu trợ và vấn đề chấm dứt bạo động, nhưng đôi bên đều biết rõ là mục tiêu chính của hội nghị là làm thế nào để thực thi các điều khoản của Thông cáo Geneve.
Thông cáo này được cộng đồng quốc tế tán thành cách nay 18 tháng tại hội nghị Geneve về Syria lần thứ nhất. Nhưng điều khoản về “chính phủ chuyển tiếp” của thông cáo này không rõ ràng, làm cho ông Assad và những người ủng hộ ông cho rằng ông có thể lãnh đạo chính phủ chuyển tiếp, trong lúc phe nổi dậy nói rằng ông Assad phải ra đi.
Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã gia tăng sự chỉ trích nhắm vào Tổng thống Assad. Ông nói rằng ông Assad chính là một thỏi nam châm cực mạnh thu hút những hoạt động khủng bố và sẽ không bao giờ lấy lại được tính chất hợp pháp để mang lại sự đoàn kết cho đất nước.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ông Kerry nói rằng nếu mục tiêu là hòa bình cho Syria thì ông Assad phải từ chức bởi vì phe chống đối sẽ không bao giờ ngưng chiến đấu nếu ông Assad còn nắm quyền. Ông Kerry nói thêm rằng ông Assad là người mang lại tai họa cho người dân Syria, không ngừng dội bom vào dân chúng và đã dùng hơi độc giết hại người dân trong đêm đen.
Cuộc xung đột Syria bắt đầu hồi tháng 3 năm 2011 với những cuộc phản kháng ôn hòa trước khi biến thành một cuộc nội chiến mà Liên Hiệp Quốc nói đã gây tử vong cho hơn 100.000 người và làm cho gần 9 triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.