Luật sư nhân quyền Hứa Chí Vĩnh bị đưa ra xét xử về tội 'gây
Ông Hứa Chí Vĩnh là người sáng lập Phong trào Công dân Mới, một tổ chức xã hội dân sự chuyên tranh đấu cho quyền bình đẳng giáo dục và thúc giục các quan chức chính phủ công khai tài sản.
Nhà luật học 40 tuổi này đã bị bắt hồi tháng 8 và bị truy tố về tội gọi là “tụ tập đông người, làm mất trật tự công cộng.” Ông đã đóng một vai trò then chốt trong việc tổ chức những cuộc tụ tập qui mô nhỏ của các nhân vật tranh đấu và sử dụng mạng internet để phê phán chính phủ.
Ngày hôm nay, cảnh sát và những tay côn đồ rõ ràng được nhà nước bảo trợ đã xô đẩy, ngăn chặn để không cho các nhà báo tới gần tòa án ở Bắc Kinh, nơi diễn ra phiên tòa xử ông Hứa Chí Vĩnh. Một số các nhà ngoại giao nước ngoài cũng bị ngăn không cho dự khán phiên tòa.
Mặc dù vậy, một số người ủng hộ ông Hứa đã tụ họp bên ngoài pháp đình, trong đó có ông Chu Gia Kỳ đến từ thành phố Thiên Tân.
Bà Chu nói rằng đây là một phiên xử kín, có mục đích ngăn không cho người dân biết được những gì xảy ra tại phiên xử và kết quả của một phiên tòa như vậy sẽ không bao giờ là một kết quả công bằng.
Ông Trương Khánh Phương, luật sư của ông Hứa, cho biết thân chủ ông từ chối biện hộ và giữ yên lặng để phản đối điều mà ông cho là một phiên xử bất công.
"Ông ấy định bào chữa cho mình nếu có được một phiên xử công bằng, nhưng vì không có một phiên xử công bằng và tòa án không cho ông và luật sư của ông cơ hội để bào chữa, ông đã giữ yên lặng để phản đối tính chất bất hợp pháp của phiên tòa."
Luật sư Trương cho hay tòa án đã bác bỏ yêu cầu của ông đòi có 5 nhân chứng ra khai trước tòa và đã hạn chế số người có thể ra làm chứng trong hai ngày qua.
Ông Hứa Chí Vĩnh có phần chắc sẽ bị tòa xét là có tội, vì tòa án do nhà nước kiểm soát ở Trung Quốc hầu như không bao giờ đưa ra phán quyết có lợi cho bị cáo, đặc biệt là trong các vụ án có động cơ chính trị. Nếu bị kết án, ông có thể bị tuyên án tới 5 năm tù.
6 thành viên khác của Phong trào Công dân Mới cũng sẽ ra tòa trong tuần này. Ba thành viên của phong trào đã bị xử hồi tháng 12, nhưng phán quyết chưa được công bố.
Tuy phong trào này ủng hộ dân chủ và pháp trị, một số ý tưởng của họ cũng không khác gì mấy với những mục tiêu mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đề ra, trong đó có mục tiêu bài trừ tệ nạn tham nhũng.
Từ khi lên nắm quyền hồi năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng, làm cho một số quan chức cấp trung và cấp thấp đã bị điều tra và bị truy tố. Tuy nhiên, Bắc Kinh tiếp tục có phản ứng giận dữ đối với những cuộc vận động chống tham nhũng do dân chúng phát khởi. Ít nhất 20 người công khai thúc giục các quan chức chính phủ kê khai tài sản đã bị nhà cầm quyền bắt giam.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng chỉ trích vụ đàn áp này, nhưng hôm thứ 3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các nước khác không được can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc vì vụ án của ông Hứa Chí Vĩnh là “một vụ án hình sự thông thường.”