Xung đột ở Nam Sudan ảnh hưởng mạnh đến kinh tế khu vực
Tháng 12 vừa rồi, Dan Ssesanga bị dồn vào một chiếc xe tải quân sự của Uganda, với tiếng súng bên tai, ông được đi an toàn ra khỏi thủ đô của Nam Sudan, Juba. Nhưng ông Ssesanga buôn bán trứng và cửa hàng của ông đã bị bỏ lại đằng sau. Ông nói:
“Tôi bỏ lại đằng sau 600 thùng trứng trị giá khoảng 7.000 USD. Tôi không biết chuyện gì xảy ra với chúng vì tôi đã mất liên lạc với người quản lý cửa hàng”.
Dù thế nào đi nữa, Ssesanga đã mất hàng ngàn đô-la. Ông cho biết ông không chắc có hồi phục lại được công việc kinh doanh hay không. Và ông cho biết thêm, ông không phải là trường hợp duy nhất:
“Với tất cả những mặt hàng khác, ở Uganda chúng tôi đã mất rất nhiều. Có nhiều người nông dân làm những sản phẩm dễ bị hư hỏng, chỉ tập trung vào thị trường tại Juba thôi, thì bây giờ họ không thể bán đuợc gì cả”.
Trong lúc mọi con mắt đều đổ dồn về Juba và Jonglei, cuộc xung đột ở Nam Sudan đã tạo những làn sóng kinh tế lan tỏa khắp Ðông Phi. Không có những số liệu cụ thể, nhưng chỉ riêng Uganda đã có hàng chục ngàn người kinh doanh trong cả nước. Ông Patrick Ntege, người đứng đầu Hiệp hội Người kinh doanh Uganda ở Nam Sudan, nói:
“Nam Sudan là một đối tác thương mại lớn nhất của Uganda, thậm chí lớn hơn cả khối Liên Hiệp Châu Âu. Vì vậy khi thương mại bị dừng lại một cách đột ngột, thì đây là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Uganda, là đòn giáng mạnh vào cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những người buôn bán nhỏ - những người buôn bán không chính thức. Ðây là một đòn giáng rất mạnh”.
Với nền công nghiệp nhỏ bé trong nước vẫn còn đang phải hồi phục do nhiều thập niên chiến tranh, gần như mọi thứ ở Nam Sudan đều phải nhập khẩu, Bộ trưởng Tài chính Uganda Jim Mugunga giải thích. Ông cho biết người Kenya cũng kinh doanh ở đây nhưng hầu hết những mặt hàng thiết yếu là đến từ Uganda.
“Những thứ mang ra khỏi Uganda là những mặt hàng thiết yếu như nước, những thứ như sản phẩm vệ sinh, xà phòng và những sản phẩm khác tương tự. Uganda là một giỏ thực phẩm không lồ cho Nam Sudan, vì vậy bạn có những thứ như đường, muối, rau, chuối, đậu, bắp”.
Ông cho biết hiện nay những người kinh doanh các mặt hàng thiết yếu này không có cách nào để thúc đẩy doanh nghiệp.
Các chính phủ địa phương cũng đang phải gánh chịu như vậy khi xung đột khiến cho các kế hoạch về một đường dẫn dầu từ Nam Sudan đến Ấn Ðộ Dương phải dừng lại.
Ông Dickens Kamugisha của Viện Quản trị Năng lượng châu Phi cho biết dự án này sẽ mang lại cho Uganda một phương cách tiết kiệm chi phí hiệu quả hơn trong xuất khẩu dầu lửa và sẽ là một nguồn kinh doanh mang lại lợi nhuận lớn đối với cả Uganda và Kenya. Ông nói:
“Sudan xuất khẩu khoảng 200.000 thùng dầu một năm, và bạn đang nói về 100 triệu đô-la Mỹ thu được nếu nó được dẫn qua đây. Vì vậy trong khoảng thời gian một năm, 5 năm, 10 năm, đó sẽ là một khoản chi phí khổng lồ. Khoản tiền đó, chúng tôi ở Uganda đang bị mất đi”.
Cả ông Kamughisha và Ntege đều đồng ý rằng việc xem xét vấn đề kinh tế cũng có thể nằm phía sau những nỗ lực Tổng thống Uganda Yoweri Museveni để làm trung gian hòa bình và quyết định nhanh chóng của ông để gửi quân đến Juba.
Trong khi đó, ông Mugunga nói các chính trị gia cần phải làm việc với nhau để làm cho thương mại lưu thông trở lại và để ngăn chặn tình trạng thiếu thốn lớn ở Nam Sudan. Ông nói:
“Ðây là vấn đề thời gian. Nếu không còn nữa hang hóa nữa thì hoặc là giá cả sẽ leo lên mức vượt trần, hoặc chúng ta phải yêu cầu tạo ra một hành lang nhằm phân phối thực phẩm”.
Còn đối với ông Ssesange, ông nói một hành lang như thế không tạo ra sự khác biệt nào với ông. Bất chấp những lợi tức có thể có, ông nói, việc bán trứng ở Juba là một sự mạo hiểm mà ông không còn muốn có nữa.