TT Obama sẽ phủ quyết bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào đố
Một dự luật đưa ra tại Thượng viện, đã được 26 thượng nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ tính tới ngày hôm qua, trực tiếp thách thức những lời kêu gọi từ Tổng thống Obama.
Mang tên “Dự luật về một nước Iran không còn vũ khí hạt nhân 2013,” dự luật này sẽ mở rộng các hạn chế về lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Iran. Dự luật này cũng khẳng định Hoa Kỳ sẽ cung cấp các hỗ trợ quân sự, ngoại giao và kinh tế cho Israel nếu quốc gia Do Thái này thực hiện hành động quân sự nhắm vào các cơ sở của Iran.
Tổng thống Obama nói rằng các nhà lập pháp Mỹ phải để cho Hoa Kỳ và các thành viên thường trực khác trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cùng với Đức tiếp tục trắc nghiệm sự cam kết của Iran đối với một giải pháp ngoại giao.
Iran và các quốc gia trong nhóm gọi là P5 +1 hôm qua đã nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên gia tại Geneva về thỏa thuận theo đó yêu cầu Tehran phải hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng có giới hạn một số các biện pháp trừng phạt nhắm vào nước này.
Dự luật của Thượng viện có phần chắc sẽ không được đưa ra biểu quyết cho tới một thời điểm trong tháng Giêng. Và chắc chắn các nhà lập pháp sẽ bị đặt dưới áp lực thêm từ phía chính quyền đòi phải từ bỏ nỗ lực này.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney nói rằng Tổng thống Obama sẽ phủ quyết bất kỳ dự luật nào có đề cập tới các biện pháp trừng phạt mới mà thỏa thuận hạt nhân tạm thời với Iran nhấn mạnh không nên được áp đặt. Phát ngôn viên Carney nói:
“Chúng tôi không tin rằng đề xuất đó là cần thiết, như chúng tôi đã nói rõ và chúng tôi đã thảo luận với các thành viên quốc hội một thời gian rồi. Chúng tôi không nghĩ nó sẽ được thi hành. Chúng tôi biết chắc rằng nó không cần thiết. Nếu nó được thông qua, tổng thống sẽ phủ quyết”.
Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo những biện pháp mới thực thi nhắm vào một số các công ty và cá nhân của Iran dựa trên các biện pháp trừng phạt hiện thời, và bước đi này đã dẫn tới việc Iran tạm thời ngưng các cuộc thảo luận.
Ông Carney nói rằng Tòa Bạch Ốc đã có các cuộc thảo luận ‘thường xuyên và rất trực tiếp’ với các nhà lập pháp và tái khẳng định rằng Quốc hội có thể hành động nhanh nếu Iran không tuân thủ. Ông nói rằng các biện pháp trừng phạt mới có thể ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán và cho thấy ‘dụng ý xấu’ về phía Mỹ.
Hai thượng nghị sĩ Cộng hòa ký vào dự luật, ông John McCain và Lindsey Graham, đã nói tại thượng viện ngày hôm qua về sự cần thiết phải duy trì áp lực đối với Iran.
Ông McCain nói rằng điều phù hợp là Quốc hội phải nói rõ cho chính quyền của ông Obama và cho ban lãnh đạo Iran rằng ‘các con ốc sẽ được siết chặt’. Thượng nghị sĩ McCain nói:
“Phải chăng nên có một số biện pháp trừng phạt có hiệu lực sau một khoảng thời gian 6 tháng mà lúc đó phía Iran sẽ biết rằng nếu họ không đạt được một thỏa thuận thì các biện pháp trừng phạt sẽ nghiêm khắc hơn?”
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Carney cũng trả lời một câu hỏi của đài VOA về các nhận xét của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có liên quan đến các nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện với Iran, và lá chắn phòng thủ phi đạn của Mỹ ở châu Âu.
Phát biểu tại Ba Lan, nơi các lá chắn phòng thủ phi đạn sẽ được triển khai vào năm 2018, ông Lavrov nói rằng việc triển khai thành công thỏa thuận Geneve sẽ loại bỏ nguyên nhân dẫn tới lá chắn phi đạn của Mỹ.
Ông Carney nói rằng lập trường của Hoa Kỳ không thay đổi, và nêu ra điểm thỏa thuận tạm thời với Iran ‘không phải là một thỏa thuận toàn diện và không phải là một giải pháp cho các quan ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran”.