Deutsche Bank bán phần hùn trong công ty Hoàng Anh Gia Lai
Trong một email ngắn, người phát ngôn của Deutsche Bank, ông Michael West, cho biết phần hùn trong Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở Việt Nam đã được bán. Ông nói thêm rằng phần hùn đó trước đây nằm trong một quỹ đầu tư do một công ty khác quản lý thay cho các nhà đầu tư bên ngoài.
Một bản kê khai trước đây cho thấy khoản đầu tư của Deutsche Bank trị giá hơn 4 triệu đô la.
Hoàng Anh Gia Lai là một trong những công ty sản xuất cao su lớn nhất ở Việt Nam và trong vài năm gần đây đã nới rộng hoạt động sang Lào và Campuchia.
Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Cao su Việt Nam do nhà nước làm chủ đã được nói tới trong bản phúc trình hồi tháng 5 của tổ chức theo dõi Global Witness ở Anh.
Theo tố cáo của phúc trình, hai công ty của Việt Nam đã được dành quyền khai thác 200.000 hécta đất ở Campuchia và Lào, làm cho một số gia đình bị mất đất trong lúc nhiều người khác bị đe dọa và thậm chí còn bị bỏ tù.
Bà Megan MacIness, giám đốc chiến dịch cho chương trình đất đai của Global Witness, phát biểu như sau về những gì mà tổ chức của bà hy vọng sẽ đạt được qua việc công bố bản phúc trình.
"Trong bản phúc trình Rubber Barons của chúng tôi, chúng tôi đã trình bày những vấn đề này với Hoàng Anh Gia Lai và đưa ra một loạt các đề nghị về những gì mà công ty này cần phải làm để làm cho các hoạt động của họ phù hợp với luật pháp, ví dụ như bồi thường cho những người bị mất ruộng đất, và khai báo rõ hơn về các hoạt động của mình. Và chúng tôi yêu cầu các nhà đầu tư của Hoàng Anh Gai Lai như Deutsche Bank dùng ảnh hưởng của họ, ảnh hưởng tài chánh của họ, để gây sức ép đòi công ty này thực hiện những sự thay đổi như vậy."
Global Witness cho biết thời hạn 6 tháng để cải thiện đã hết mà không có thay đổi nào ở tại chỗ. Tới lúc đó, Global Witness đã yêu cầu Deutsche Bank bán phần hùn.
Ông Võ Trường Sơn, một giới chức tài chánh cấp cao của Hoàng Anh Gia Lai cho biết trong một email là Deutsche Bank chưa thông báo cho công ty về việc bán phần hùn. Ông Sơn nói thêm rằng các hoạt động của Hoàng Anh Gia Lai hoàn toàn phù hợp với luật pháp của nước sở tại.
Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai đã bác bỏ các cáo giác của Global Witness.
Ông Son Chhay, một dân biểu thuộc phe đối lập ở Campuchia, hoan nghênh việc Deutsche Bank bán phần hùn và bày tỏ hy vọng là sẽ có nhiều công ty khác noi gương.
"Điều này rất đáng phấn khởi bởi vì chúng tôi biết rõ những gì xảy ra trong các khu rừng của nước mình. Những việc đó ảnh hưởng trực tiếp tới những người bản địa và ảnh hưởng tới môi trường. Và đó là mối quan tâm của cả thế giới chứ không riêng gì của người dân Campuchia."
Nạn chiếm đoạt đất đai đã trở thành một vấn đề kinh niên ở Campuchia và Lào, là nơi mà những công ty có quan hệ tốt với giới lãnh đạo chính trị như Hoàng Anh Gia Lai và các công ty khác được dành cho những hợp đồng để khai thác những vùng đất vô cùng rộng lớn. Global Witness cho biết từ năm 2000 tới nay, hơn 3 triệu 700 ngàn héc ta đất ở Lào và Campuchia đã được giao cho các công ty. Khoảng 40% số đất đó được dành riêng cho việc lập đồn điền cao su.
Trong những năm gần đây, hàng trăm gia đình ở Campuchia cũng bị mất đất vào tay các công ty trồng mía.
Các tổ chức bất vụ lợi như Oxfam ở Anh đã ra sức thu hút sự chú ý của dư luận đối với những vụ lạm dụng như vậy và đã gây áp lực đối với những công ty mua đường như Coca-Cola và Pepsico.
Tháng 11 vừa qua, Coca-Cola, công ty nước giải khát lớn nhất thế giới, cho biết họ sẽ ra sức làm việc để bảo đảm là toàn bộ dây chuyền cung ứng của họ có tính chất minh bạch và làm việc với tinh thần trách nhiệm. Họ cũng cam kết theo đuổi chính sách “tuyệt đối không khoan dung” đối với nạn chiếm đất.
Bà Megan MacIness của tổ chức Global Witness cho biết những hành động của Coca-Cola và Deutsche Bank chứng tỏ là thời kỳ thay đổi đã tới. Bà nói rằng điều đó cũng sẽ gây sức ép lên chính phủ Campuchia để họ chấp hành các luật lệ chống lại nạn chiếm đoạt đất đai.