Người biểu tình Thái Lan tiếp tục chiếm cứ các tòa nhà chính
Mấy ngàn người biểu tình hôm nay bao vây trụ sở Bộ Nội vụ và thề hứa ở lại nơi này suốt đêm. Một ngày trước đó, những người biểu tình đã chiếm cứ một số văn phòng của hai bộ Tài chánh và Ngoại giao và đã dựng lều trại bên ngoài nhiều tòa nhà quan trọng của chính phủ.
Những người biểu tình đòi Thủ tướng Yingluck từ chức. Họ nói rằng chính phủ hiện nay bị khống chế bởi nhân vật mà họ cho là người anh tham ô của bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông Thaksin đã bị lật đổ năm 2006 trong một cuộc đảo chánh của quân đội và đang sống lưu vong để tránh án tù hai năm về tội tham nhũng.
Các cuộc phản kháng được lãnh đạo bởi Đảng Dân Chủ, là đảng đối lập vừa phát động một cuộc tranh luận để tiến hành cuộc biểu quyết bất tín nhiệm chính phủ. Đảng Pheu Thai của bà Yingluck đang nắm quyền kiểm soát quốc hội. Hôm nay, bà nói với các nhà lập pháp bà sẽ không từ chức. Bà nói:
"Các cáo giác quá kịch liệt và không công bằng đối với tôi, là người lãnh đạo chính phủ này trong hai năm qua."
Đây là vụ xuống đường biểu tình lớn nhất ở Thái Lan kể từ năm 2010, khi hơn 90 người bị giết chết trong một cuộc đàn áp của quân đội nhắm vào người biểu tình của phe đối lập. Thủ tướng Yingluck khẳng định là quân đội sẽ không dùng bạo lực để giải tán những cuộc biểu tình.
Hôm qua, chính phủ đã nới rộng một đạo luật an ninh khẩn cấp để dành cho cảnh sát những quyền hạn rộng rãi nhằm ứng phó với những cuộc biểu tình. Nhưng cho đến giờ chưa có cố gắng nào nhằm xua đuổi những người biểu tình ra khỏi các tòa nhà của chính phủ.
Mặc dù vậy, trong một dấu hiệu cho thấy tình trạng căng thẳng leo thang, cảnh sát cho biết họ phát giác một quả lựu đạn chưa nổ bên ngoài một văn phòng của Đảng Dân Chủ ở Bangkok.
Hôm nay, cảnh sát cũng đưa ra lệnh tróc nã, có sự phê chuẩn của một tòa án, để bắt người cầm đầu cuộc biểu tình là ông Suthep Thausuban. Cựu lãnh tụ Đảng Dân Chủ này bị truy nã vì dính líu tới việc chiếm cứ các tòa nhà chính phủ.
Làn sóng biểu tình hiện nay bùng ra cách nay vài tuần vì một dự luật ân xá, mà nếu được quốc hội thông qua, sẽ cho phép ông Thaksin về nước và không bị rắc rối gì về vấn đề pháp luật.
Dự luật ân xá đó đã bị Thượng viện bác bỏ, nhưng những vụ biểu tình do phe đối lập lãnh đạo vẫn tiếp diễn.
Trong khi đó, những người biểu tình thuộc phe thân chính phủ cũng tổ chức một cuộc mít tinh tại một sân vận động ở Bangkok và thề quyết ở lại nơi này cho tới khi phe đối lập chấm dứt cuộc biểu tình.
Một số chính phủ nước ngoài, kể cả Hoa Kỳ, đã bày tỏ quan tâm về những cuộc biểu tình. Hôm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Washington “quan tâm về căng thẳng chính trị đang gia tăng ở Thái Lan.” Thông cáo của Mỹ hối thúc “tất cả các bên tránh bạo động, tự chế và tôn trọng pháp luật” và nói rằng “bạo động và sự chiếm đoạt tài sản công hoặc tư không phải là những phương tiện có thể chấp nhận để giải quyết bất đồng chính trị.”