Page 1 of 1

Các loại quyền lực

PostPosted: Fri Nov 22, 2013 9:47 pm
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment

Tàu chiến Trung Quốc bắn tên lửa trong một cuộc tập trận tại Biển Đông.
Trong bài “Quyền lực là gì?”, tôi đã nhắc đến hai loại quyền lực: tuyệt đối và tương đối. Đó là cách phân loại đơn giản nhất, chủ yếu dựa trên thể chế. Trong bài “Quyền lực”, trước đó, tôi cũng đã nêu lên một số cách phân loại quyền lực. Trong bài này, tôi tiếp tục trình bày thêm vài quan điểm khác.

 

Trước hết, cần lưu ý, liên quan đến quyền lực, nhiều học giả đưa ra nhiều quan niệm khác nhau, từ Dorothy Emmet (trong cuốn Function, Purpose and Powers, 1958) đến Kenneth E. Boulding (trong cuốn Three Faces of Power, 1989), tuy nhiên, ở đây, để cho gọn, tôi chỉ xin nhắc qua quan niệm của John French và Betram Raven, trong một công trình nghiên cứu được xuất bản từ năm 1959, đến nay, vẫn được xem là kinh điển trong chính trị học và xã hội học.

 

Theo French và Betram, quyền lực có thể được nhìn từ nhiều góc độ, từ tâm lý học đến xã hội học và chính trị học. Từ góc độ nào thì nó cũng tập trung vào hai đối tượng khác nhau: Một, những người nắm quyền lực, và hai, những người chấp nhận quyền lực của kẻ khác. Dựa trên quan hệ giữa hai loại đối tượng này, French và Betram cho quyền lực có năm nền tảng, hoặc năm hình thức khác nhau:

 

Thứ nhất, quyền lực cưỡng bức (coercive): Dựa trên sự đe dọa trừng phạt hoặc bằng bạo lực hoặc bằng kinh tế hoặc cả hai nếu người khác không làm theo ý muốn của mình. Thứ hai, quyền lực khen thưởng (reward): Dựa trên quyền lợi để thu hút và ảnh hưởng lên người khác (nếu làm theo ý mình thì được cấp lộc và thăng chức). Thứ ba, quyền lợi hợp pháp (legitimate): Dựa trên luật pháp, với những chức danh, trách nhiệm và quyền hạn được quy định (ví dụ Tổng thống/Chủ tịch nước, Thủ tướng, giám đốc, v.v.). Thứ tư, quyền lực tính cách (referent): Do được yêu mến hay kính trọng, xuất phát từ sức hút hay uy tín của cá nhân (ví dụ, trường hợp của một số nhà cách mạng hoặc lãnh tụ đối lập, một số nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng, như Martin Luther King, Mahatma Gandhi hay Nelson Mandela). Thứ năm, quyền lực chuyên gia (expert): Dựa trên kiến thức, kinh nghiệm hoặc kỹ năng mà đất nước và xã hội đang cần.

Sau này, Betram Raven thêm một loại quyền lực nữa: quyền lực thông tin (informational), dựa trên khả năng sử dụng thông tin, sự kiện và khả năng lý luận để lôi kéo và thuyết phục người khác.

Trong mấy chục năm gần đây, chuyên gia được xem là có uy tín về vấn đề quyền lực nhất có lẽ là Joseph S Nye. Trong cuốn Bound to Lead: The Changing Nature of American Power, xuất bản năm 1990, ông đưa ra khái niệm “quyền lực mềm”; sau, trong cuốn Soft Power: The Means to Success in World Politics, xuất bản năm 2004, ông lại khai triển thêm khái niệm ấy. Nhờ hai công trình trên, khái niệm “quyền lực mềm” càng ngày càng trở thành phổ biến trên thế giới. Năm 2004, Nye lại đưa ra một khái niệm mới nữa: “quyền lực khôn khéo” (smart power). (Một số người cho tác giả của thuật ngữ “quyền lực khôn khéo” này là của Suzanne Nossel trong một bài báo đăng trên Foreign Affairs, cũng vào năm 2004. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta không cần đi sâu vào cuộc tranh luận này. Dù xuất phát từ ai thì đây vẫn là một khái niệm khá mới, đến nay, mới gần 10 tuổi!).

Từ ảnh hưởng của Joseph S Nye, hiện nay, người ta thường chia quyền lực thành ba loại chính: quyền lực cứng (hard power), quyền lực mềm (soft power) và quyền lực khôn khéo (smart power).

Quyền lực cứng chủ yếu là quyền lực quân sự và kinh tế, hay còn gọi là quyền lực của chiếc gậy và củ cà rốt, chủ yếu dựa trên sức mạnh và quyền lợi ảnh hưởng lên người (hoặc nước khác) để người ta quy phục và làm theo ý muốn của mình. Trên bình diện quốc tế, quyền lực cứng tùy thuộc vào đất đai, dân số, tài nguyên thiên nhiên, độ phát triển của kinh tế, và đặc biệt, vào sức mạnh quân sự, trong đó, quan trọng nhất là số lượng cũng như tính chất hiện đại của vũ khí.

Quyền lực mềm, ngược lại, là quyền lực của sự quyến rũ đến từ ba nguồn chính: Một, một truyền thống văn hóa lớn và đẹp, với những thành tựu xuất sắc khiến người khác phải ngưỡng mộ. Hai, các giá trị chính trị vừa có tính chất tiên tiến vừa có tính chất phổ quát để mọi người muốn học tập và bắt chước. Và ba, từ các chính sách ngoại giao vừa có tính chính đáng (legimate) vừa biết căn cứ trên những giá trị đạo đức được công nhận (ví dụ, tự do, dân chủ và nhân quyền).

Trong bài “Soft Power, Hard Power and Leadership”, Nye phân biệt quyền lực cứng và quyền lực mềm một cách tóm lược như sau:














Loại quyền lực



Hành xử (behavior)



Nguồn (sources)



Ví dụ



Mềm



Lôi kéo hay kết nạp



Giá trị cố hữu


Truyền thông



Sự hấp dẫn


Thuyết phục



Cứng



Đe dọa hay xui khiến



Đe dọa


Trả tiền, khen thưởng



Thuê, đuổi việc


Tăng lương, thăng chức



 

Sự phân biệt ở trên, thật ra, chỉ là một cách đơn giản hóa vấn đề. Trên thực tế, quyền lực cứng và quyền lực mềm thường giao thoa với nhau.

 

Nói đến sức mạnh quân sự, thường người ta nghĩ đến quyền lực cứng, nhưng trong lịch sử, sức mạnh quân sự có khi không dẫn đến bạo lực mà có thể trở thành một sự quyến rũ khiến người khác ngưỡng mộ và tự nguyện đi theo (ở Việt Nam, chúng ta hay nói đến tâm lý phù thịnh; ở Tây phương, người ta hay nói đến tình cảm giành cho các con ngựa mạnh hơn là các con ngựa yếu): Trong trường hợp này, sức mạnh quân sự lại trở thành quyền lực mềm.

 

Cũng vậy, sức mạnh kinh tế có thể là quyền lực mềm (tự bản thân nó, giàu có là một sự quyến rũ) đồng thời có thể là quyền lực cứng (đặc biệt khi được sử dụng để cấm vận).

Từ năm 2004, trong cuốn Soft Power: The Means to Success in World Politics, và đặc biệt, từ năm 2011, trong cuốn The Future of Power, Josph S Nye khai triển ý niệm quyền lực khôn khéo như một cách kết hợp giữa quyền lực cứng và quyền lực mềm trong những chiến lược hiệu quả. Cái gọi là “hiệu quả” này là điểm phân biệt giữa quyền lực khôn khéo với hai loại quyền lực kia: thuật ngữ “quyền lực khôn khéo” vừa có tính chất mô tả vừa có tính chất đánh giá: nó nhắm đến khía cạnh mục tiêu và chiến thuật nhiều hơn khía cạnh phương tiện hay nguồn lực (resources). Trong chương cuối cuốn The Future of Power, Nye đề nghị một số chiến lược quyền lực khôn khéo mà theo ông, chính phủ Mỹ nên áp dụng.

Tuy nhiên, với người Việt Nam hiện nay, chuyện của Mỹ không gần gũi và quan trọng cho bằng chuyện của Trung Quốc.

Hầu như ai cũng thấy, trong hơn một thập niên vừa qua, Trung Quốc vận dụng cả quyền lực cứng và quyền lực mềm trong quan hệ với thế giới bên ngoài. Chiến lược của họ khá rõ: Quyền lực mềm chủ yếu được sử dụng ở những nơi xa, đặc biệt ở châu Phi và châu Mỹ La Tinh, còn quyền lực cứng thì chủ yếu được sử dụng với các nước láng giềng, đặc biệt với Nhật, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam.

Ở châu Phi, trong khoảng 10 năm, Trung Quốc bỏ ra tổng cộng 75 tỉ đô la Mỹ cho các chương trình viện trợ và dự án chung. Ở Algeria, họ chi tiền xây dựng nhà hát opera đồ sộ với trên 1.400 ghế ngồi. Ở Mozambique, họ xây trường Mỹ thuật Quốc gia. Ở Liberia, họ xây dựng hệ thống đèn đường. Họ xây đập và đường xá giùm cho Ethiopia. Họ cũng cấp 18.000 học bổng và lên kế hoạch huấn luyện cho khoảng 30.000 người Phi châu trong nhiều lãnh vực khác nhau vào năm 2015. Hơn 15 Viện Khổng Tử và hơn 50 trung tâm dạy tiếng Hoa đã được thành lập ở châu Phi.

Riêng với các nước láng giềng của họ ở châu Á, dường như mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc là quyền lực cứng chứ không phải là quyền lực mềm. Thì họ cũng ra sức vận động thành lập các Viện Khổng Tử ở khắp nơi. Thì cũng hứa hẹn, chẳng hạn, với Việt Nam là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Nhưng tất cả chỉ là những lời nói và tuyên truyền. Trong trận bão Haiyan làm chết cả 10,000 người tại Philippines vừa qua, Trung Quốc chỉ cho 100,000 đô la cứu trợ; sau, có lẽ xấu hổ vì sự bần tiện, họ hứa tăng lên 1,4 triệu. Nhưng dù vậy, nó vẫn quá ít so với các nước khác: riêng Úc đã tặng đến 30 triệu; Mỹ, ở đợt đầu, cho 20 triệu cộng với mấy ngàn nhân viên đến cứu giúp. Rõ ràng là Trung Quốc không cần quyền lực mềm với láng giềng. Họ chỉ thích sử dụng quyền lực cứng. Họ phô trương sức mạnh trên biển và trên không. Họ lấn hết vùng biển này đến hòn đảo nọ. Họ uy hiếp thuyền đánh cá của các nước khác. Thậm chí, họ còn dọa dẫm tấn công bằng vũ lực.

Tại sao Trung Quốc lại chọn kết bạn ở xa và gây oán thù ở gần như vậy?

Có thể gọi đó là “quyền lực khôn khéo” được không?

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.