Giáo sư Mark Harris, Trưởng Khoa Sản xuất phim Tài liệu thuộc Trường Nghệ thuật Điện ảnh, Đại học Nam California, cho biết, khi ông được mời sang giảng dạy tại Hà Nội và TP HCM, ông đã chấp nhận ngay vì từ lâu ông đã muốn tìm hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam.
Đạo diễn phim tài liệu 72 tuổi này cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông rất ấn tượng với tất cả các nhà làm phim mà ông đã gặp ở Việt Nam.
“Tại Hà Nội, tôi có 3 buổi làm việc với các học viên và chúng tôi đã cùng nhau sản xuất 4 bộ phim tài liệu ngắn. Chúng tôi thảo luận các ý tưởng làm phim, rồi đi quay và dựng phim. Điều khiến tôi ngạc nhiên là họ đã thức suốt đêm để biên tập phim vừa quay trước khi ngồi lại với tôi để thảo luận. Chính vì lẽ đó, tôi thực sự ấn tượng với sự năng động cũng như tham vọng của họ”.
Các học viên tham gia khóa học ở Hà Nội đã thực hiện 4 bộ phim tài liệu về các chủ đề nóng bỏng hiện nay ở Việt Nam như về cộng đồng người đồng tính, vấn đề bình đẳng giới và việc nâng cao năng lực cho phụ nữ.
Các bộ phim này sau đó sẽ được mang đi trình chiếu tại các trường trung học và đại học ở Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành khác nhau.
Ông Harris cho biết các bộ phim đều phản ánh hiện trạng xã hội Việt Nam hiện nay.
“Tất cả các bộ phim là về các thanh niên trẻ tuổi mong muốn tìm hiểu về chính bản thân họ, về xu hướng tình dục và về tương lai khi họ trưởng thành. Sau khi xem phim xong, chúng tôi còn ngồi lại trao đổi sôi nổi về các nhân vật và về những gì họ đang phải đối mặt trong xã hội, nhất là những người đồng tính. Tôi nghĩ các bộ phim phản ánh những gì mà thế hệ thanh niên hiện nay ở Việt Nam đang trải qua”.
Ông Harris cho hay thêm rằng một nhà làm phim có cùng cảnh ngộ với chính nhân vật trong phim về một thiếu nữ, người công khai thừa nhận mình đồng tính trong xã hội nhưng lại không dám thừa nhận điều đó với chính cha mình.
Ông đã cung cấp cho các học viên các kỹ năng làm phim hiện đại cũng như các kiến thức về truyền thông mạng trong thời đại kỹ thuật số.
Ngoài ra ông cũng tham gia buổi giao lưu ở Hà Nội với chủ đề ‘Sức sống phim tài liệu’, và sự kiện này được các nhà làm phim trẻ tuổi của Việt Nam coi là cơ hội hiếm có để trao đổi với một nhà làm phim kỳ cựu người Mỹ, có hàng chục năm kinh nghiệm.
Khi được hỏi là ông có phát hiện một nhà làm phim tài liệu Việt Nam nào có khả năng đoạt giải Oscar như ông hay không, ông Harris cho biết thật khó để nói trước bất cứ điều gì.
“Tại TP HCM, chúng tôi đã có một buổi xem phim mà các học viên đã làm trước đây cũng như trao đổi về kế hoạch của họ trong tương lai. Có rất nhiều phim và ý kiến hay. Về mặt kỹ thuật, các nhà làm phim chưa đạt đến mức chuyên nghiệp cần thiết, nhưng tôi nghĩ họ sẽ làm được trong vài năm nữa. Phần lớn những nhà làm phim mà tôi gặp đều ở trong giai đoạn đầu nghề nên rất khó để dự đoán về tương lai của họ. Tôi chỉ có thể hy vọng rằng trong vòng 5 năm nữa, tôi có thể được xem phim của họ tại Mỹ. Tôi cho rằng các nhà làm phim Việt Nam muốn làm ra những bộ phim cuốn hút đối tượng khán giả rộng hơn, bên ngoài biên giới Việt Nam, cả ở Mỹ lẫn châu Âu, nên họ mới mời các nhà làm phim quốc tế, trong đó có tôi, tới để chia sẻ kinh nghiệm cũng như lời khuyên”.
Ngoài sản xuất các phim tài liệu, ông Harris còn viết văn cho thiếu nhi và từng đạt nhiều giải thưởng về văn học.
Năm 1967, ông giành giải Oscar ở thể loại Phim tài liệu ngắn cho bộ phim ‘The Redwoods’. 30 năm sau, ông giành thêm một giải Oscar ở hạng mục Phim tài liệu dài cho phim ‘The Long Way Home’.
Và chỉ 3 năm sau, ông giành tiếp một giải Oscar nữa cho phim ‘Into the Arms of Strangers: Stories of the Kindertransport’.