Cơ quan gồm 47 thành viên đặt trụ sở tại Genève có nhiệm vụ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới.
Hội đồng Nhân quyền thường là mục tiêu chỉ trích vì tập trung vào Israel cũng như việc bầu cử của một số thành viên bị cáo buộc là có thành tích nhân quyền tệ hại.
Thứ Ba, Đại hội đồng LHQ đã bầu ra 14 thành viên mới trong cuộc bỏ phiếu kín với nhiệm kỳ 3 năm bắt đầu từ tháng Giêng năm sau. Một số ứng cử viên không vấp phải sự chống đối nào, với tư cách ứng cử viên được ấn định trước thời hạn trong nhóm khu vực của họ.
Bà Peggy Hicks, Giám đốc Vận động toàn cầu của tổ chức Human Rights Watch, tỏ ý nghi ngờ về hồ sơ nhân quyền của một số thành viên đắc cử:
"Năm nay không may là một số nước vi phạm nhân quyền tệ nhất đã quay trở lại hội đồng, trong đó có Trung Quốc, Nga, Ả-rập Saudi và Cuba. Và tôi cho rằng điều đó có nghĩa là những nước bảo vệ nhân quyền trong hội đồng phải làm tròn nghĩa vụ của mình và sẽ phải nỗ lực gấp đôi để đạt được kết quả thực sự trong năm tới."
Nhóm vận động có tên U.N. Watch nói trong một thông cáo rằng việc bầu chọn những nước này giáng một "đòn nặng" vào uy tín của Hội đồng Nhân quyền và gửi đi thông điệp rằng "chính trị lấn át nhân quyền."
Khi được hỏi về việc liệu một số ứng cử viên gây tranh cãi có thể ảnh hưởng ra sao tới công việc của Hội đồng, Đại sứ Anh Mark Lyall Grant cho biết các thành viên phải giữ gìn những giá trị công việc của Hội đồng. Ông nói:
"Rõ ràng chúng tôi kỳ vọng tất cả những nước được bầu vào Hội đồng Nhân quyền phải tuân thủ các cam kết mà họ đưa ra, tuân thủ tôn chỉ và nguyên tắc của Hội đồng. Vì vậy bất cứ nước nào vào được Hội đồng, chúng tôi kỳ vọng họ phải theo đuổi những cam kết đó và chúng tôi sẽ buộc họ làm như vậy."
Những thành viên mới của Hội đồng bao gồm Algeria, Anh, Trung Quốc, Pháp, Maldives, Mexico, Morocco, Namibia, Nga, Ả-rập Saudi, Nam Phi, Macedonia, và Việt Nam. Nam Sudan và Uruguay là hai nước duy nhất dự tranh như thất cử.