Một nhà lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo ở Sittwe nói hành trình xấu số từ Miến Ðiện đến Bangladesh bắt đầu tối thứ bảy với khoảng 80 người, kể cả phụ nữ và trẻ em, trên một chiếc tàu chở đầy hàng lậu.
Ông Aung Win nói khi chiếc thuyền đắm trong Vịnh Bengal, gần như tất cả mọi người đều chết đuối. Thân nhân đã tìm ra được 5 thi hài và chôn cất ở bãi biển gần đó.
Ông Aung cho biết: “Có từ 8 đến 10 người sống sót nhưng những người ấy đang đi trốn ở các làng xã gần đó bởi vì họ sợ bị cảnh sát bắt giữ nên không ai có thể xác nhận con số người sống sót.”
Tuy nhiều người sắc tộc Rohingya đã sống ở Miến Ðiện từ nhiều thập niên, chính phủ không thừa nhận họ là công dân.
Các tổ chức nhân quyền nói cộng đồng này lâu nay vẫn bị phân biệt đối xử, và nhiều lần là nạn nhân của sự tàn ác của cảnh sát. Năm ngoái, bạo động chống lại cộng đồng này lại leo thang, đẩy nhiều người ra khỏi nhà vào các trại tạm trú. Bạo động thỉnh thoảng vẫn tiếp diễn.
Một nhân viên an ninh Miến Ðiện và một giới chức khác của Liên Hiệp Quốc ở đây, cả hai đều yêu cầu không nêu danh tính, nói rằng có thêm người Rohingya đã chết trong những vụ đụng độ những ngày gần đây ở vùng Pauktaw, cách Sittwe khoảng 2 giờ đi bằng thuyền về hướng bắc.
Người ta đã tìm thấy một người đàn ông Rohingya chết ở gần một ngôi chùa Phật giáo, nơi một nhóm người đi kiếm củi đốt ở trại Sin Tet Maw cho những người bị thất tán trong nước. Người Rohingya quy trách vụ giết người cho “bọn côn đồ Rakhine.”
Theo các nguồn tin, trong một vụ đối đầu sau đó gần trại với những người Rohingya phẫn nộ đi lấy xác về, cảnh sát đã nổ súng. Một người tử nạn và ít nhất 2 người khác bị thương.
Cũng có tin nói rằng xác của một người đàn ông Rohingya khác được tìm thấy sáng qua và một phụ nữ Rakhine đã bị giết trong một vụ dường như là tấn công để trả thù.
Một chuyên gia phân tích kỳ cựu về Miến Ðiện, ông Richard Horsey, nói có quan niệm cho rằng cảnh sát Miến Ðiện đã kiên quyết hơn trong việc đối đầu với người Rohingya.
Ông Horsey nói: “Việc sẵn sàng sử dụng vũ lực này, dĩ nhiên, kèm theo những rủi ro to lớn bởi vì đối với một lực lượng cảnh sát không được trang bị và huấn luyện tốt để đối phó với các tình huống bạo động thì việc sử dụng vũ lực cũng có thể bị trục trặc.”
Kể từ khi bạo động leo thang hồi năm ngoái trong bang Rakhine, nhiều người Rohingya đã bỏ nhà cửa ra đi chủ yếu là qua Thái Lan và Malaysia vì tin rằng đời sống của họ sẽ tốt đẹp hơn ở các nước đó.
Cao Uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc nói có tới 1500 nguời đã bỏ trốn trong tuần qua. Nhưng Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế nói họ không thể thu thập thêm thông tin cụ thể và đáng tin cậy hơn.
Các tổ chức phi chính phủ bày tỏ sự quan ngại rằng một khi đến được các nước khác thì những nguời tỵ nạn bất hợp pháp này lại bị các tay buôn người lợi dụng khai thác.