Trung-Phi tranh chấp lãnh hải, công ty dầu khí tìm cách hợp
Dự án dầu khí nước sâu duy nhất của Philippin dự trù sẽ tiến vào giai đoạn thử nghiệm trước năm 2024. Nước này đang gắng hết sức để phát triển các giếng dầu khí mới ở vùng biển Nam Hoa giàu tài nguyên.
Bộ trưởng Năng lượng Philippin Jericho Petilla nói ông đặt nhiều hy vọng vào tiềm năng của một sự hợp tác bất ngờ giữa công ty Forum Energy có trụ sở ở Vương quốc Anh và công ty Dầu khí Quốc doanh Trung Quốc CNOOC. Ông nói:
“Phương án là không khoan, có lẽ là mãi mãi... Phải cứu xét các phương án. Ta muốn bảo vệ chủ quyền, nhưng đồng thời, đi tới việc thăm dò với mục đích thương mại, mà không gây phương hại đến chủ quyền, bởi vì chúng ta cần nó.”
Cả Philippin và Trung Quốc đều cần đến năng lượng nằm bên dưới đáy biển, nhưng họ không thể đồng ý về cách thức chia sẻ, bởi vì nước nào cũng nhận vùng đó thuộc chủ quyền của mình.
Trong khi vấn đề lớn hơn vẫn chưa được giải quyết, các công ty năng lượng có liên kết với hai quốc gia đang cố gắng tim ra một con đường tiến tới. Công Ty Energy Forum là một công ty thuộc quyền sở hữu chính của Philex Petroleum có trụ sở ở Philippin, đã tìm cách lập quan hệ đối tác với CNOOC để giúp lấy được một hợp đồng khoan hai giếng dầu khí thiên nhiên ở Reed Bank, năm ngay phía tây tỉnh Palawan miền cực tây Philippin.
Trung Quốc đòi chủ quyền không tranh cãi đối với gần như toàn bộ vùng biển Hoa Nam mà Bắc Kinh nói bao gồm cả Reed Bank. Philippin, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Ðài Loan cũng nhận chủ quyền một phần hay toàn bộ vùng nước đi lại nhộn nhịp này.
Các giới chức Philippin cho hay họ đang hy vọng tìm ra một cách tiến tới qua việc rút kinh nghiệm một số bài học từ một thoả thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai nước đã có một sắp xếp thăm dò vùng nước trong Vịnh Bắc Việt và biển Ðông, mặc dù vẫn chưa rõ hai bên sẽ chia thu nhập của một giếng có lợi nhuận chính xác như thế nào.
Bà Dương Phương là một nhà khảo cứu tại Trung tâm châu Á và Toàn cầu hóa của trường Ðại học Quốc gia Singapore. Bà nói hai nước đang dựa vào các điều khoản trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, cho phép các bên trong một cuộc tranh chấp có một sự sắp xếp tạm thời có liên quan đến ranh giới trên biển. Và điều khoản này sẽ không bị đụng chạm đến bởi bất cứ quyết định chung cuộc nào về việc ai sở hữu cái gì. Bà nói:
“Việt Nam thực tiễn hơn và cũng duy trì thông tin liên lạc rất cởi mở và thường xuyên với Trung Quốc cả qua một cuộc họp cấp cao hơn lẫn thông tin liên lạc giữa hai đảng. Vì thế ý chí chính trị rất mạnh và họ cũng có thể đưa nó xuống một mức độ thực tiễn.”
Những người hoài nghi về mô thức Việt Nam – Trung Quốc, như ông Carl Thayer, một chuyên gia về các tranh chấp biển Ðông của Học Viện Quốc phòng Australia, nói rằng thỏa thuận này dành cho cả hai đảng bề ngoài hợp tác, trong khi các tranh chấp cốt lõi vẫn không được giải quyết. Giáo sư Thayer nhận định:
“Trung Quốc đã đánh giá quá mức các thỏa thuận và nếu ta nhìn kỹ hơn vào các thỏa thuận thì chúng chỉ tiêu biểu cho những bước tiến tới rất khiêm tốn. Và họ vẫn chưa đi đến chỗ liên doanh phát triển.”
Bất chấp sự lạc quan của giới quản trị năng lượng Philippin về việc tìm ra một cách để đạt được một thỏa thuận, Tổng thống Benigno Aquino đã khẳng định rõ là bất kỳ sự hợp tác nào giữa Forum Energy và CNOOC sẽ phải theo đúng chủ trương của Philippin trong vụ tranh chấp. Tổng thống Philippin nói:
“Chúng tôi chủ trương khu vực mà Forum Energy đang thăm dò rõ ràng nằm bên trong đặc khu kinh tế của chúng tôi, và do đó, bất cứ việc khai thác nào đều phải theo đúng các luật lệ của chúng tôi.”
Philippin nói Trung Quốc đã vi phạm đặc khu kinh tế 370 kilomet của họ nhiều lần và họ đã đưa vụ này ra Toà án Quốc tế về Luật biển hồi tháng 1 để tìm cách tái khẳng định chủ quyền của mình. Một phán quyết trong vụ đó có thể được đưa ra vào năm tới.