Các nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc có dính líu tới việc này cho biết hôm thứ sáu các nhà ngoại giao Đức và Brazil đã thảo luận về nghị quyết này với các giới chức tương nhiệm của những nước Âu châu và Mỹ châu La tinh. Nghị quyết này sẽ đưa các hoạt động Internet vào phạm vi bảo vệ của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, nhưng không nêu tên Hoa Kỳ.
Nghị quyết sẽ không có tính chất cưỡng hành, nhưng được xem là một sự bày tỏ khác nữa về sự phản đối những hoạt động do thám của Mỹ.
Việc này diễn ra sau một loạt những tin tức nói về việc Hoa Kỳ nghe lén các nhà lãnh đạo nước ngoài và những người khác, làm cho các nước đồng minh kinh ngạc và tức giận.
Nằm ở tâm điểm của sự phẫn nộ là những chương trình theo dõi điện thoại và email của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, gọi tắt là NSA. Những chương trình này được cựu nhân viên hợp đồng của tình báo Mỹ Edward Snowden tiết lộ trong vụ rò rỉ thông tin mật.
Trong một cuộc phỏng vấn sẽ được chiếu trên truyền hình vào Chủ nhật này, cựu Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ, ông Michael Morrell, nói rằng vụ rò rỉ của Snowden “là vụ tiết lộ thông tin mật nghiêm trọng nhất trong lịch sử của cộng đồng tình báo Mỹ.”
Ông Morrell nói với chương trình 60 Phút của đài CBS rằng văn kiện bị rò rỉ gây thiệt hại nhiều nhất là tài liệu về “Quỹ Đen”, ghi rõ những chi tiết về sự chi tiêu của Mỹ trong hoạt động thu thập tình báo.
Ông Morrell nói rằng Snowden đã làm cho người Mỹ gặp nhiều rủi ro hơn “vì những phần tử khủng bố sẽ học được từ những thông tin bị rò rỉ và sẽ cẩn thận hơn” và như thế nước Mỹ sẽ khó khăn hơn để có được những thông tin cần thiết để chống lại quân khủng bố.
Đức đã phẫn nộ vì tin nói rằng Hoa Kỳ nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Angela Merkel. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã hủy bỏ một chuyến công du Hoa Kỳ hồi tháng trước vì có tố giác cho rằng NSA đã nghe lén, xem lén những thông tin liên lạc của văn phòng của bà.