Chính phủ Mỹ mở cửa lại
Nhân viên chính phủ liên bang Mỹ được lệnh trở lại làm việc sáng nay, sau khi Quốc hội thông qua một dự luật để chính phủ mở cửa lại và nâng mức trần nợ. Dự luật này đã được Tổng thống Obama đã ký ban hành, chấm dứt vụ giằng co chính trị vốn có thể làm bùng ra một vụ khủng hoảng kinh tế.
Tối thứ tư, Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát đã thông qua một thỏa hiệp giờ chót, sau cuộc biểu quyết với 285 phiếu thuận và 144 phiếu chống.
Cuộc biểu quyết được tiến hành hơn 2 tuần sau khi chính phủ phải đóng cửa từng phần vì phe Cộng hòa không chịu thông qua bất kỳ dự luật ngân sách nào không có những điều khoản nhằm loại bỏ ngân khoản dành cho Luật chăm sóc sức khỏe với giá phải chăng, thường được gọi là Obamacare, hoặc trì hoãn việc thực thi luật này.
Tổng thống Obama và các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ không chịu điều đình về bất kỳ sự sửa đổi nào về Luật Obamacare cho tới khi nào chính phủ mở cửa lại và quyền vay nợ của chính phủ được triển hạn.
Lãnh tụ khối thiểu số ở Hạ viện, bà Nacy Pelosi, nói rằng vụ giằng co do phe Cộng hòa khơi mào đã gây ra những sự thiệt hại không cần thiết cho nền kinh tế Mỹ.
"Nó đã phương hại tới thứ hạng tín dụng của chúng ta, làm cho tăng trưởng DGP giảm đi 0,6%. Nó đã xói mòn niềm tin của người tiêu thụ và giới đầu tư trong lúc lấy 24 tỉ đô la ra khỏi nền kinh tế của chúng ta. Thưa quí vị đồng viện, phải chăng quí vị nghĩ rằng sự cẩu thả của quí vị có giá 24 tỉ đô la? Sự cẩu thả này là một món hàng xa xỉ mà người dân nước Mỹ không có khả năng chi trả."
Dự luật đã được Thượng viện thông qua trước đó trong ngày thứ tư với 81 phiếu thuận và 18 phiếu chống. Trong số những người bỏ phiếu chống có thượng nghị sĩ Ted Cruz của đảng Cộng hòa. Ông Cruz phát biểu như sau.
"Đây là một thỏa thuận vô cùng tệ hại. Thỏa thuận này phản ánh tất cả những gì mà những kẻ quyền thế ở Washington làm cho người dân nước Mỹ cảm thấy bất mãn. Thỏa thuận này không giải quyết được vấn đề. Nó cho phép có thêm nợ nần, có thêm thâm hụt ngân sách, có thêm các khoản chi tiêu, và nó không làm được bất kỳ điều gì để giúp đỡ cho hàng triệu người Mỹ đang bị thiệt hại vì Obamacare."
Sau cuộc biểu quyết ở Thượng viện, Tổng thống Obama hối thúc hai đảng chấm dứt cách làm việc mà ông gọi là “cai trị bằng khủng hoảng.”
"Hy vọng và kỳ vọng của tôi là mọi người đã học được một điều là không có lý do gì làm cho chúng ta không thể giải quyết vấn đề trước mắt, làm cho chúng ta không thể có được sự bất đồng giữa hai đảng trong lúc vẫn có thái độ hòa dịu và bảo đảm là chúng ta không gây thương tổn cho người dân nước Mỹ khi chúng ta có ý kiến bất đồng."
Dự luật này cung cấp ngân sách để chính phủ hoạt động cho tới ít nhất là ngày 15 tháng giêng và cho phép Bộ Tài chánh vay tiền cho tới ít nhất là thượng tuần tháng hai. Trong khoảng thời gian đó, các nhà lập pháp sẽ điều đình với nhau về một kế hoạch ngân sách dài hạn.
Nếu mức trần nợ không được nâng cao, chính phủ sẽ không còn tiền để thanh toán các khoản nợ, một tình huống có thể làm sút giảm niềm tin của thế giới đối với nền kinh tế Hoa Kỳ.