Cựu NT Clinton dè dặt đối với các cuộc đàm phán của Iran
Cựu Ngoại trưởng Clinton còn tại chức khi một vài vòng đàm phán giữa Iran và nhóm tiếp xúc của Liên Hiệp Quốc, được biết dưới tên là nhóm P5+1, diễn ra. Những cuộc đàm phán này thất bại và đưa đến những chế tài quốc tế mạnh mẽ làm tê liệt nền kinh tế Iran.
Nhưng có nhiều chuyện xảy ra kể từ khi bà rời khỏi chức vụ vào tháng Giêng năm nay, gồm có việc bầu Tổng thống ôn hòa Hassan Rouhani, và những lời lẻ hòa dịu của ông tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong tháng trước. Ông đã cử bộ trưởng ngoại giao gặp nhóm P5+1, và ông cũng đã nói chuyện bằng điện thoại với Tổng thống Barack Obama.
Tuy nhiên bà Clinton nói tại phiên họp của Chatham House là bà không được thuyết phục đối với điều bà gọi là có việc thay đổi thực sự trong chính sách của Iran qua những dấu hiệu về chia sẻ trách nhiệm và ngoại giao nhiều hơn của nước này.
Bà nói việc này có thể trở nên rõ ràng trong vòng đàm phán vào tuần tới tại Geneva: "Ðiều tôi quan tâm nhất là Iran thực sự đưa ra những chi tiết và thực chất cho những hy vọng của họ là có thể có một cuộc đàm phán đưa đến một giải pháp làm họ hài lòng và chúng ta chấp thuận được. Và tôi nghĩ là chúng ta chưa có cách nào để biết được.”
Bà Clinton nói Iran cần có những đáp ứng rõ ràng đối với những đề nghị lâu nay của nhóm tiếp xúc Liên Hiệp Quốc về một loạt những bước tiến có thể trấn an cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran và dẫn đến việc giảm nhẹ những chế tài.
Trong một cuộc đối thoại kéo dài một tiếng đồng hồ về nhiều vấn đề với cử tọa của Chatham House, bà Clinton cũng kêu gọi có thêm những nỗ lực mạnh mẽ để củng cố khả năng quân sự của phe đối lập ôn hòa Syria. Bà nói các nhà lãnh đạo đối lập không thể được tin tưởng nếu không có một quân đội mạnh mẽ đứng đằng sau. Bà cũng hoan nghênh thỏa thuận tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria, và cho biết thêm là việc này nên được sử dụng như là một bước đầu tiên để đạt đến một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến Syria.
Bà Clinton đang có mặt tại London để nhận giải thưởng hàng năm của Chatham House về đóng góp của bà cho ngoại giao và bênh vực quyền bình đẳng giới tính. Trả lời câu hỏi cuối cùng, bà ủng hộ một kế hoạch của phụ nữ Ả Rập Saudi tổ chức một cuộc biểu tình lái xe để đòi quyền lái xe của phụ nữ. Bà gọi việc Vương quốc này cấm phụ nữ lái xe là “khó lý giải được.”