Bạo động tôn giáo ở Miến Điện
Các cư dân đã nói với ban Miến Ngữ đài VOA rằng vụ bộc phát bạo động giáo phái diễn ra hôm thứ Ba, ở bên trong và chung quanh thị trấn Thandwe của bang Rakhine.
Họ cáo buộc cảnh sát và các binh sĩ quân đội Miến Điện đứng gần đó trong khi hằng trăm tín đồ Phật giáo nổi loạn đốt cháy gần 70 căn nhà, khiến dân làng thuộc nhóm Hồi Giáo Kaman thiểu số hết sức sợ hãi.
Nhà chức trách địa phương nói với các hãng tin Phương Tây rằng một trong những nạn nhân bị giết là một phụ nữ 94 tuổi bị đâm chết. Chính phủ Miến Điện không xác nhận tổn thất sinh mạng nào trong vụ xáo trộn này.
Tổng thống Miến Điện Thein Sein đã tới thủ phủ Sittwe của bang Rakhine hôm thứ Ba, trong chuyến viếng thăm đầu tiên của ông tới bang có nhiều xáo trộn này kể từ khi ông lên nhậm chức năm 2011.
Thông tín viên hãng Reuters nói rằng ông Thein Sein đã gặp các bậc trưởng bối ở địa phương tại thị trấn Kyauktaw kế cận và nói với họ rằng ông tin là “việc kiểm soát của quân đội và cảnh sát là chưa đủ để đối phó với cuộc giao tranh giữa người Hồi Giáo và người Phật Giáo.
Cơ quan thông tấn vừa kể đã trích thuật lời ông Thein Sein nói rằng “các vụ giết hại và bạo động sẽ chỉ ngưng được khi chính phủ đóng một vai trò trong việc kiểm soát tình hình tại đây.” Một giới chức nói rằng Tổng thống sẽ đi thăm Thandwe vào thứ Tư để giải quyết vụ xung đột tại đó.
Các vụ đụng độ giáo phái đã giết chết ít nhất 240 người kể từ khi chúng nổ ra tại Rakhine hồi tháng Sáu năm 2012, và sau đó lan tới những nơi khác của Miến Điện. Hầu hết các vụ sát hại đã xảy ra tại Rakhine, điạ bàn sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số Hồi Giáo, trong đó có những người vô tổ quốc Rohingyas.
Những người chỉ trích tố cáo ông Thein Sein là không có hành động chống lại các tín đồ Phật giáo quá khích xúi giục thù ghét nhắm vào người Hồi Giáo.
Tổ chức Khủng hoảng Quốc Tế, một tổ chức tư nhân khảo cứu về các vụ xung đột trên thế giới đã yêu cầu chính phủ đối phó với những nguyên nhân cỗi rễ gây ra vụ xáo trộn này.
Tổ chức vừa kể nói, “những ai lan truyền thông điệp bất bao dung và thù ghét không thể không bị thách thức.” Tổ chức này cảnh báo rằng tình trạng bạo động tiếp diễn có thể làm lu mờ hình ảnh quốc tế của Miến Điện và “đe dọa tới sự thành công” trong giai đoạn chuyển tiếp của nước này từ nhiều thập niên dưới chế độ cai trị độc đoán.