TQ bắt nhà hoạt động đòi cho dân góp ý trong báo cáo nhân qu
Bà Tào Thuận Lợi, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Trung Quốc, đã bị biệt tích từ ngày 14 tháng 9, khi cảnh sát ngăn không cho bà đáp chuyến bay đến Thụy Sĩ. Khi đó, bà Tào định đi dự một hộïi nghị về nhân quyền ở Geneve.
Hồi đầu tuần, chính quyền thông báo cho những người bạn của bà Tào trong giới tranh đấu nhân quyền là bà đã bị chính thức bắt giữ vào ngày thứ 7 tuần trước.
Bà Châu Lợi, bạn của bà Tào, cho biết như sau:
"Bà ấy đang bị giam ở Trung tâm Tạm giam Số một ở Bắc Kinh. Nhưng chúng tôi chưa biết bà bị truy tố về tội gì."
Bà Châu Lợi, cùng với bà Tào và mấy mươi người khác, đã tham gia cuộc biểu tình ngồi lỳ trước trụ sở Bộ Ngoại giao hồi trung tuần tháng 6. Bà Châu nói rằng việc bắt bà Tào là không có cơ sở vì những hoạt động của bà đều phù hợp với luật pháp Trung Quốc.
"Lúc trước tôi không nghĩ là điều này sẽ xảy ra cho bà Tào vì bà ấy là một người rất tử tế và có lập trường ôn hòa. Những hoạt động của bà không hề có tính chất quá khích và bà đã hành xử các quyền của mình theo đúng luật pháp của Trung Quốc."
Bà Tào và những người cùng chí hướng đã vận động để đòi chính quyền có thái độ cởi mở về nạn chà đạp nhân quyền và để cho các tổ chức và đoàn thể xã hội tiếp tay soạn thảo các văn kiện chính sách của Trung Quốc về nhân quyền.
Bà Châu Lợi nói rằng những nỗ lực của nhóm bà đã bắt đầu sau kỳ Thế vận hội 2008, khi Trung Quốc loan báo họ sẽ trình bày một cách chi tiết về tình hình nhân quyền trong một văn kiện được đặt tên là “Kế hoạch hành động nhân quyền quốc gia.”
Tuy nhiên, những nỗ lực của nhóm bà nhằm đệ nạp các khuyến nghị về nhân quyền đã bị thất bại. Bà Châu thuật lại như sau.
"Ý tưởng của chúng tôi là thành lập một nhóm có thể đại biểu cho những người dễ bị tổn thương trong xã hội và giúp cho những người dân thường có thể tham gia trong việc soạn thảo Kế hoạch hành động nhân quyền quốc gia. Kế hoạch này do Bộ Ngoại giao và Phòng thông tin Quốc vụ viện soạn thảo. Chúng tôi tới Bộ Ngoại giao trước, nhưng ở đó họ nói rằng chúng tôi phải tới Phòng thông tin Quốc vụ viện. Khi chúng tôi tời Phòng thông tin thì ở đó họ lại nói với chúng tôi rằng đây là vấn đề thuộc quyền của Bộ Ngoại giao."
Từ tháng 6 tới nay, nhóm hoạt động này đã yêu cầu Bộ Ngoại giao để cho họ có được tiếng nói trong báo cáo Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc mà Trung Quốc sẽ nộp cho các nước hội viên vào ngày 22 tháng 10.
Hội đồng Nhân quyền qui định mỗi nước hội viên phải nợp báo cáo về thành tích nhân quyền bốn năm một lần và khuyến khích sự tham gia của xã hội dân sự trong quá trình soạn thảo báo cáo.
Sau khi bà Tào Thuận Lợi và những người trong nhóm nộp đơn cho một tòa án ở Bắc Kinh dể đòi chính phủ tiết lộ thông tin về bản báo cáo, đơn của họ đã bị bác. Tòa án nói rằng văn kiện đó liên quan tới các vấn đề ngoại giao và quốc phòng của Trung Quốc và dân thường không được xem.
Tòa án cũng cho rằng cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát là “một hoạt động ngoại giao” và không thể là đối tượng của một vụ kiện của dân chúng.
Ông Đường Cát Điền, một luật sư nhân quyền ở Bắc Kinh, nói rằng lập luận đó của tòa án không hợp lý.
"Quyền hạn về ngoại giao của nhà nước là do người dân trao cho. Nhân dân là người trao cho nhà nước quyền thực hiện các hoạt động ngoại giao.
Ông Đường nói thêm rằng việc giám sát hoạt động của chính quyền đặc biệt quan trọng ở Trung Quốc, nơi mà chính phủ vì thiếu dân chủ nên không có một chỗ đứng vững chắc."
Trong vài tháng qua, ông Đường cùng với các luật sư khác đã tập họp thành một “liên đoàn luật sư nhân quyền” để phối hợp các vụ kiện tụng và để tự bảo vệ một cách tốt hơn cho chính họ trước chiến dịch đàn áp đã gia tăng cường độ trong thời gian gần đây.
Theo ước tính của tổ chức Human Rights Watch, từ tháng hai tới nay chính phủ Trung Quốc đã bắt giữ trái phép ít nhất 56 nhà hoạt động.
Giới hữu trách cũng gia tăng những hoạt động nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận trên internet qua việc ban hành những luật lệ để áp dụng những biện pháp trừng phạt nặng nề đối với những người loan tin đồn trong không gian ảo.
Luật sư Đường Cát Điền nói rằng tuy chính phủ tiếp tục chà đạp tự do ngôn luận, tình hình ở Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều trong những năm vừa qua.
"Bây giờ chính phủ chỉ là một bộ phận của xã hội Trung Quốc và theo tôi, chính phủ đã không còn là bộ phận quan trọng nhất như thời trước nữa.
Ông Đường nói thêm rằng dân chúng hiện nay đã hiểu biết nhiều hơn về các quyền của mình và họ sẵn sàng hành động để bảo vệ chúng."