Người Việt nghĩ gì về các vụ bắt giữ đồng hương ở Nga?
Tin cho hay, đa số các công nhân phải làm việc trong các xưởng may ‘chui’ trong điều kiện mất vệ sinh. Một số gia đình với cả con cái và bố mẹ phải ở ngay tại nơi làm việc.
Vụ tạm giữ rồi trục xuất về nước là một phần chiến dịch truy quét người nhập cư trái phép tại Nga, dẫn tới việc bắt hơn 1,000 người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau.
Hơn 500 người trong số đó, mà phần đông là người Việt, đã được đưa tới trú tại một lán trại tạm mà giới bảo vệ nhân quyền đã lên tiếng chỉ trích là tạm bợ.
Ông Hoàng Nam, quản lý nhà hàng Hạ Long ở Moscow, cho VOA Việt Ngữ biết rằng vụ bắt giữ ‘ảnh hưởng tới hình ảnh của cộng đồng người Việt’.
Nhưng ông Nam cho rằng những người Việt lao động ‘chui’ cũng có lỗi.
“Lỗi là lỗi của chính bản thân mình vì mình sang làm không theo đúng luật của người ta thì bị bắt thôi. Phải có giấy tờ đầy đủ, tuân thủ luật pháp, đúng luật pháp thì không sao cả”.
Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng những người chủ, thuê mướn các nhân công này cũng phải chịu trách nhiệm.
Ông Trần Hoàng, giám đốc một công ty về du lịch ở Moscow, cũng cho rằng vụ bắt người ‘gây dư luận không tốt trong mắt người Nga ở đây đối với cộng đồng người Việt Nam làm việc bất hợp pháp như nô lệ’.
Ông Hoàng nói nhiều người Việt ở Nga đang ‘lợi dụng kẽ hở của pháp luật nước sở tại’.
“Bên này luật thì luật nhưng mà ít nhiều cũng có những người chủ người Việt họ dựa vào sự sơ hở của luật pháp Nga để họ làm các xưởng may chui nên mới xảy ra các chuyện đó. Khi các cơ quan pháp luật Nga phát hiện ra, họ bắt thì mới lòi ra cái chuyện người Việt làm ăn và sống bất hợp pháp ở Nga”.
Ông Hoàng cho biết rằng việc người Việt ở Nga lập ra các công ty ‘ma’ thuê mướn nhân công trái phép nhằm tránh đóng thuế là một việc làm ‘khá phổ biến’.
Ông tỏ ra cảm thông với những công nhân may người Việt bị bắt giữ, và cho rằng họ chỉ là các nạn nhân bị các chủ xưởng may ‘lừa đảo’.
Theo người quản lý nhà hàng Hạ Long ở Moscow, một số khách hàng người Nga quan tâm tới tình hình thời sự cũng hỏi ông về vụ bắt giữ, nhưng ‘đa số người ta cũng chả để ý mấy’.
“Có những khách hàng người ta rất là cảm thông. Có nhiều người người ta còn đến để xin lỗi về những hành động của chính phủ. Họ cũng cảm thấy bức xúc và họ không đồng tình”.
Ông Nam cho VOA Việt Ngữ hay các hội đoàn của người Việt ở Nga theo dõi chặt chẽ vụ việc.
“Họ họp hành suốt. Nói chung các tổ chức xã hội của người Việt bên này cũng quan tâm và giúp đỡ tương đối là nhiều”, ông nói.
Trong khi đó, ông Hoàng nói rằng rất khó để có thể ngăn chặn tình trạng mở các xưởng may mặc bất hợp pháp ‘dù Đại sứ quán Việt Nam ở bên này vẫn thường xuyên thông báo trong cộng đồng tránh việc làm đó’.