Bạo động gia tăng đối với các phóng viên nhiếp ảnh tại Ai Cậ
Xúc động tăng cao và đám đông ngày càng đông tại những cuộc biểu tình của người Ai Cập - những cuộc biểu tình đã thu hút đông đảo người gia nhập mỗi ngày.
Trên tuyến đầu là những phóng viên nhiếp ảnh, những người trong những ngày này không chỉ trong vòng lửa đạn, nhưng cũng thường là mục tiêu bị tấn công.
Anh Mostafa Darwish, 23 tuổi, là một nhiếp ảnh viên cho một tờ báo có tên là el-Badil và cho Thông tấn xã AP. Anh nói lần gần đây nhất anh bị tấn công là tại Quảng trường Tahrir cách đây hơn một tuần:
“Họ bắt gặp tôi trong vụ xung đột gần đây tại Quảng trường Tahrir cách đây khoảng một tuần hay 10 ngày. Họ lấy thẻ nhớ trong máy ảnh của tôi nhưng không quá mạnh bạo. Cám ơn Chúa tôi vẫn bình yên.”
Anh Darwich chuyển sang nói tiếng Ả Rập để mô tả những cuộc tấn công mới đây vào đồng nghiệïp của anh do cảnh sát và những người biểu tình cả thân lẫn chống ông Morsi nữa.
Anh nói đồng nghiệp của anh, Mohammad Saad, bị đánh vào đầu trong tuần trước và để cho chảy máu trên đường phố không có máy ảnh trên người.
Trong một phúc trình vào tuần trước, Ủy ban Bảo vệ Ký giả loan báo việc gia tăng những cuộc tấn công vào các nhà báo, gồm có hơn một chục vụ đánh đập và ít nhất có hai người tử thương.
Các nhiếp ảnh viên Ai Cập, thường làm việc cho các cơ quan truyền thông địa phương và quốc tế, cho biết con số này cao hơn nhiều.
Ông Nasser Nouri, một phóng viên nhiếp ảnh lâu năm làm việc cho các cơ quan truyền thông quốc tế và quốc nội, gồm cả AP và Reuters và hiện nay là tổng biên tập về hình ảnh của báo el-Badil, nói 14 nhiếp ảnh viên của ông trong đó có hai phụ nữ đã bị quấy nhiễu, đánh đập hay bị cướp trên đường phố trong những tuần lễ gần đây.
Ông nói các người biểu tình của cả hai phía cáo buộc các nhiếp ảnh gia là người của phía bên kia. Ông cho biết thêm là các nhân viên cảnh sát, đôi khi cũng cáo buộc các nhiếp ảnh gia là nỗ lực đưa ra một hình ảnh tiêu cực của họ cho công chúng xem.
Và với tính mạng của các nhiếp ảnh gia càng ngày càng gặp nhiều nguy hiểm, ông Nouri nói làm báo vô tư cũng là một nguyên nhân của bạo động:
“Tôi nghĩ tất cả các bên đều muốn làm thế nào để truyền thông ủng hộ mình. Nếu tôi chống lại Huynh đệ Hồi Giáo, tôi sẽ ở bên này và chụp những gì những người này làm.”
Ông Nouri so sánh những gì đang xảy ra hiện nay tại Ai Cập với Syria, đặc biệt là lúc khởi đầu cuộc chiến, binh sĩ thuộc phe nổi dậy chiếm được cảm tình của quốc tế bằng cách bảo vệ các nhà báo tại tiền tuyến.
Nhưng đối với các phóng viên nhiếp ảnh Ai Cập, vấn đề phức tạp hơn vì nhiều cơ quan truyền thông đã đứng về phía bên này hay bên kia. Cả chính phủ lâm thời do quân đội lãnh đạo và Huynh đệ Hồi Giáo đều cáo buộc truyền thông là xúi dục bạo động.
Ông Nouri nói vào lúc chính phủ lâm thời và những người biểu tình thân ông Morsi tiếp tục đối đầu trên đường phố thì các phóng viên nhiếp ảnh vẫn sẽ tiếp tục bị kẹt ở giữa.