Trong lúc hai phái đoàn của Israel và Palestine đến Washington để thực hiện lại cuộc đàm phán hòa bình, nhiều người Palestine tỏ ý hoài nghi về kết quả của cuộc thương thuyết.
Ông Micha Perry, một người Palestine cư ngụ ở Jerusalem nói rằng cả hai bên đều chưa sẵn sàng cho một cuộc điều đình nghiêm túc.
"Đã tới lúc chúng ta thực hiện các cuộc thảo luận như vậy, nhưng có điều không may là tôi không tin cuộc đàm phán sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp, bởi vì cả hai bên đều chưa sẵn sàng. Israel chưa sẵn sàng để thực hiện những sự đổi chác cần thiết. Họ sẽ không từ bỏ những phần đất của người Palestine. Người Palestine sẽ không chấp nhận điều gì ít hơn thế. Họ nên đàm phán với nhau, nhưng có điều không may là cuộc đàm phán sẽ không có kết quả nào cả."
Nhiều người Palestine đòi Israel ngưng nới rộng các khu định cư trên những phần đất của người Palestine trước khi tiến hành đàm phán.
Ông Hassan Jabr, một người Palestine ở Dải Gaza, nói rằng Palestine đang bị thua thiệt.
"Cuộc đàm phán sẽ không có kết quả. Nó sẽ chỉ là một sự lập lại của những cuộc đàm phán trước đây. Phía Palestine đã chịu thua khi họ bắt đầu cuộc đàm phán mà không có sự ngưng chỉ các dự án xây dựng khu định cư, và việc phóng thích tù nhân cũng sẽ không xảy ra."
Trong một cử chỉ nhằm bày tỏ thiện chí trước cuộc hòa đàm, Israel đồng ý trả tự do cho hơn 100 tù nhân Palestine, một quyết định gặp phải sự chỉ trích của nhiều người ở Israel.
Vài giờ trước khi các phái đoàn của Israel và Palestine gặp nhau tại Washington vào ngày thứ hai, bà Tsipi Livni - Bộ trưởng Tư pháp và là thương thuyết gia trưởng của Israel, đã gặp Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon tại New York. Bà Livni đã tìm cách xóa tan sự hoài nghi của người Israel và Palestine đối với cuộc hòa đàm.
"Có rất nhiều sự hoài nghi và bi quan, nhưng cũng có hy vọng. Và tôi tin rằng qua việc thực hiện lại cuộc thương thuyết, chúng tôi có thể mang lại hy vọng cho người Israel cũng như cho người Palestine."
Bà Livni cho biết vào lúc này cuộc thương thuyết sẽ không tập trung vào vấn đề biên giới mà chỉ nhắm tới mục tiêu chấm dứt xung đột.
Ngoại trưởng John Kerry thừa nhận là cuộc thương thuyết sẽ rất gay go.
"Rõ ràng là các nhà thương thuyết cũng như các nhà lãnh đạo đang đối mặt với nhiều sự lựa chọn khó khăn trong lúc chúng tôi tìm cách đạt được những sự thỏa hiệp hợp lý đối với những vấn đề có tính chất gay go, phức tạp, cảm tính, và tượng trưng. Tôi nghĩ rằng những sự thỏa hiệp hợp lý phải là nền tảng của mọi việc trong nỗ lực này."
Các nhà phân tích cho rằng cuộc đàm phán này là một bước tiến tích cực, nhưng sẽ có rất ít triển vọng cho một nền hòa bình thật sự hoặc thậm chí cho một hiệp định có thực chất nếu đôi bên tiếp tục bất đồng ý kiến với nhau về đường biên giới chung cuộc giữa hai nước.