Tướng Mỹ kêu gọi thận trọng trong việc can thiệp vào Syria
Đại tướng Martin Dempsey, chủ tịch ban Tham mưu Liên quân, đưa lên Quốc hội một danh sách các giải pháp nhằm ngưng cuộc tranh chấp đẫm máu tại Syria. Đây là lần đầu tiên Ngũ Giác Đài công khai mô tả điều mà cơ quan này xem như là “những hậu quả không mong muốn” có thể xảy ra với bất cứ một hành động quân sự công khai nào của Mỹ.
Thư của Đại tướng Dempsey gởi cho hai nghị sĩ John McCain và Carl Levin được công bố hôm thứ Hai đưa ra chi tiết các phương án từ việc huấn luyện các lực lượng đối lập cho đến việc tiến hành các cuộc không kích và thực một vùng cấm bay trên không phận Syria.
Bức thư này được đưa ra tiếp theo một cuộc trao đổi quan điểm gay gắt tại một buổi điều trần của Quốc hội tuần trước giữa tướng Dempsey và Thượng nghị sĩ McCain, một người đứng đầu trong chủ trương can thiệp, khi Tướng Dempsey điều trần về việc tại sao Hoa Kỳ không làm nhiều hơn nữa để giúp phe nổi dậy đối lập chiến đấu để lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Ông Steven Heydemann, một nhà phân tích tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ, có trụ sở tại Washington nói bức thư của tướng Dempsey phác họa một kịch bản tệ hại và không phải là lời nói cuối cùng của vấn đề này.
“Tướng Dempsey dường như cảm thấy là Hoa Kỳ sẽ hành động một mình nếu theo đuổi bất cứ phương án nào được đưa ra. Dường như ông lập luận rằng bất cứ phương án nào ông đưa ra cũng đòi hỏi sự cam kết rộng lớn của các lực lượng Hoa Kỳ khi những mục tiêu ông đề ra có thể hoàn thành được qua việc sử dụng các lực lượng ở các mức độ khác nhau.”
Thượng nghị sĩ McCain là người dẫn đầu trong việc kêu gọi Quốc hội vũ trang cho phe nổi dậy và thành lập một vùng cấm bay để bảo vệ các lực lượng đối lập khỏi bị không lực của Tổng thống Assad tấn công.
Ông Heydemann nói các mục tiêu của chính quyền Obama và những người ủng hộ việc can thiệp như ông McCain đều liên hệ đến việc buộc chính phủ Syria ngồi vào bàn hội nghị.
“Có thể hiểu rằng sách lược của chúng ta có một yếu tố quân sự, và con đường tốt nhất để đi đến thương thuyết là tạo ra những điều kiện trên bộ bắt buộc chế độ Assad phải thừa nhận thương thuyết là phương án tốt nhất để đảm bảo cho tương lai của chế độ sau cuộc tranh chấp Syria.”
Nhưng dân biểu Trey Radel, người bảo trợ một khoản tu chính về Syria về ngân sách của Bộ quốc phòng đang được thảo luận tại Hạ viện, cực lực phản đối việc can dự trực tiếp của bộ binh Mỹ vào cuộc tranh chấp Syria.
“Tôi chỉ muốn khẳng định lại là Quốc hội quyết định việc có đưa bộ binh vào Syria hay không hoặc là khi nào. Và tôi không ủng hộ việc đưa quan vào chiến truờng, đặt thanh niên thiếu nữ của chúng ta vào vòng nguy hiểm tại Syria. Đây là một cuộc nội chiến.”
Những cuộc tranh luận này diễn ra vào lúc Tòa Bạch Ốc, hiện đang xúc tiến một kế hoạch giới hạn cung cấp cho phe nổi dậy vũ khí nhẹ và những loại vũ khí khác, đã bắt đầu công nhận là ông Assad có thể vẫn còn nắm quyền trong một tương lai gần.