Các nhà lập pháp Anh lo ngại về vấn đề xuất khẩu vũ khí
Phúc trình của các nhà lập pháp Anh hôm thứ Tư nói rằng có một “mâu thuẫn cố hữu” giữa xuất khẩu vũ khí của Anh với các chính sách nhân quyền.
Bộ Ngoại Giao Anh có một danh sách 27 nước bị nghi là vi phạm nhân quyền. Chỉ có hai trong số các quốc gia đó, Nam Sudan và Bắc Triều Tiên, không có giấy phép xuất khẩu vũ khí hợp lệ.
Phúc trình của quốc hội hôm thứ Tư do Ủy ban Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí của Hạ viện thực hiện. Chủ tịch Ủy ban này, ông John Stanley, đã nói với đài BBC:
“Chúng tôi rất ngạc nhiên cả về số lượng vào khoảng trên 3.000 giấy phép xuất khẩu vũ khí hiện có, để đến những quốc gia mà chính phủ Anh đã xác định là những quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Chúng tôi cũng ngạc nhiên bởi trị giá của những giấy phép đó, trên 18 tỷ đô la.”
Con số giấy phép nhiều nhất đã được cấp cho những vũ khí xuất khẩu sang Trung Quốc, A-rập Xê-út, và Israel. Hơn 60 giấy phép là cho Iran, mặc dù có những lo ngại của quốc tế về chương trình hạt nhân của họ. Ba giấy phép được cấp cho Syria đang có nội chiến.
Ủy ban này đặc biệt lo ngại một giấy phép cho Israel trị giá hơn 10 tỷ đô la, hơn một nửa tổng số trị giá của các nước khác gộp lại. Giấy phép này dùng để xuất khẩu thiết bị liên quan đến sử dụng mật mã.
Chủ tịch ủy ban, ông Stanley nói rằng ủy ban sẽ chất vấn chính phủ về những giấy phép này, và hỏi xem liệu giấy phép của Israel cho thiết bị này có thể được sử dụng để đàn áp người dân trong nước hay không.
Một phát ngôn nhân của bộ Doanh nghiệp, Canh tân, và Kỹ năng của Anh nói rằng, mật mã là một phương tiện để “ngăn chặn tiếp cận dữ liệu trái phép,” và hầu hết các giấy phép còn lại là các ứng dụng thương mại, như mua sắm và giao dịch ngân hàng trên mạng.
Nhưng hôm thứ Tư, các tổ chức hoạt động xã hội nói rằng, phúc trình của ủy ban khẳng định một yêu cầu mà họ đã đặt ra đã lâu, đó là, nước Anh cần siết chặt các chính sách xuất khẩu vũ khí.
Giám đốc chương trình theo dõi vũ khí Anh Quốc của Hội Ân Xá Quốc Tế, ông Oliver Sprague đã nói với đài VOA :
“Bạn chỉ cần xem những gì đang xảy ra hiện nay tại Ai Cập cũng đủ hiểu rằng những thứ như vũ khí nhỏ được gửi tới đó gây ra những nguy cơ lớn như thế nào. Điều cực kỳ chắc chắn là lực lượng an ninh Ai Cập sẽ sử dụng bất cứ thiết bị nào như vậy để đàn áp tàn bạo chính nhân dân họ.”
Ai Cập không nằm trong danh sách 27 quốc gia có lo ngại về nhân quyền. Hiện nay, nước Anh có những giấy phép xuất khẩu trị giá dưới một tỉ đô la cho Ai Cập, trong đó có áo giáp, phụ tùng của xe tác chiến, súng nhỏ và đạn dược.
Các tổ chức vận động, trong đó có Hội Ân Xá Quốc Tế, đã đặc biệt chỉ trích việc Anh quốc xuất khẩu vũ khí tới Trung Đông trong những năm gần đây. Họ nói rằng vũ khí do nước Anh bán đã được các chính phủ độc tài sử dụng để đàn áp các cuộc biểu tình của dân chúng, kể cả tại Bahrain và Libya.
Ông Sprague của Hội Ân Xá Quốc Tế nói rằng đã tới lúc nước Anh học được bài học từ vụ đổ máu trong những năm gần đây.
“Chúng ta không bao giờ nên bán cho chế độ của Đại Tá Gaddafi nhiều vũ khí như đã từng bán cho ông ta bởi vì chắc chắn Libya nếu không rơi vào xáo trộn thì các vũ khí đó sẽ được sử dụng để chống lại chính nhân dân Lybia, mà thật sự đó là điều đã xảy ra.”
Để phản ứng trước phúc trình này, chính phủ Anh nói họ có một trong những chế độ kiểm soát xuất khẩu vũ khí “chặt chẽ” nhất. Chính phủ Anh nói rằng họ sẽ không cấp giấy phép khi có nguy cơ rằng các mặt hàng đó sẽ được sử dụng cho đàn áp, hay làm cho cuộc xung đột trầm trọng thêm.