Chính phủ Mỹ bị kiện về tính hợp pháp của hoạt động theo dõi
Tổ chức vận động cho quyền trong không gian kỹ thuật số Electronic Frontier Foundation đại diện cho liên minh đứng ra nộp đơn kiện hôm thứ Ba.
Họ nói rằng hoạt động do thám bí mật của Cơ quan an ninh quốc gia là "chương trình theo dõi điện tử toàn diện mang tính bất hợp pháp và vi hiến."
Ðây là vụ kiện là thứ 6 nhắm vào chính phủ nhằm tìm cách chấm dứt việc thu thập dữ liệu điện thoại và Internet trên diện rộng sau khi cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden rò rỉ chi tiết về hai chương trình giám sát bí mật của NSA hồi tháng trước.
NSA thu thập thông tin mà họ gọi là "siêu dữ liệu" về những cuộc gọi điện thoại - những số điện thoại người Mỹ gọi và độ dài của cuộc gọi.
Snowden, 30 tuổi, chạy đến Hồng Kông trước và sau đó, khi bị Mỹ cáo buộc làm gián điệp, đã bay đến Nga. Snowden hiện đang bị giữ chân đến tuần thứ tư trong khu vực quá cảnh của một sân bay Moscow.
Luật sư người Nga Anatoly Kucherena hôm thứ Ba cho biết Snowden đã xin tị nạn tạm thời ở Nga mặc dù anh ta vẫn muốn cuối cùng sẽ tới được châu Mỹ Latin, nơi những chính phủ cánh tả ở Venezuela, Bolivia và Nicaragua đã cấp quy chế tị nạn cho anh ta. Nhưng Snowden bị ngăn không cho rời khỏi Moscow vì Mỹ đã hủy hộ chiếu của anh ta.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông không biết vụ việc của Snowden sẽ diễn tiến ra sao. Ông nói rằng Mỹ "khiến các nước khác sợ" không dám tiếp nhận Snowden.
Ông Putin nói trường hợp Snowden "giờ đang trong tình trạng bấp bênh" nhưng ông hy vọng Snowden sẽ được rời đi "ngay khi có cơ hội để chuyển đến nơi khác."
Tổng thống Nga đã khước từ yêu cầu của Mỹ dẫn độ Snowden về để xét xử tội gián điệp. Nhưng với việc Snowden tìm cách xin tị nạn ở Nga, Washington lại nỗ lực đòi Nga trao trả.
Tòa Bạch Ốc cho biết Snowden không phải là một nhà hoạt động nhân quyền hay bất đồng chính kiến, và rằng anh ta bị cáo buộc là vì đã "rò rỉ thông tin mật."