Các cuộc thảo luận cấp công tác giữa Nam và Bắc Triều Tiên đã có một sự khởi đầu tích cực hồi đầu tháng này với việc đôi bên đồng ý trên nguyên tắc là sẽ mở lại khu phức hợp nằm ngay phía bắc của khu phi quân sự chia đôi hai miền Triều Tiên.
Bình Nhưỡng cũng cho phép các viên giám đốc công xưởng của Nam Triều Tiên đến kiểm tra thiết bị ở Kaesong và lấy đi các nguyên vật liệu.
Tuy nhiên, đúng như dự báo của nhiều người, cuộc thương thuyết để thực hiện lại các hoạt động sản xuất đã nhanh chóng gặp phải bế tắc vì những vấn đề then chốt.
Bình Nhưỡng muốn mở lại ngay các công xưởng trong lúc Seoul muốn bảo đảm là miền Bắc sẽ không bao giờ có thể đơn phương đóng cửa cơ sở này một lần nữa.
Ông Lim Eul Chul, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Đại học Kyung Nam, cho biết như sau về tầm quan trọng của việc mở cửa lại khu công nghiệp Kaesong.
Giáo sư Lim nói rằng nếu khu công nghiệp bị đóng cửa vĩnh viễn vì các cuộc đàm phán bị thất bại, thì sẽ không còn gì giữa hai miền Triều Tiên vì đôi bên không còn sự di chuyển qua lại, tiếp xúc, thương mại hay hợp tác kinh tế nào khác. Và vì thế mà sự bất trắc của mối quan hệ Liên Triều sẽ gia tăng và các mối căng thẳng quân sự cũng sẽ gia tăng.
Các công xưởng này bị đóng cửa hồi tháng tư, khi Bình Nhưỡng rút toàn bộ 53.000 công nhân của họ. Các viên quản lý người Nam Triều Tiên đã rút đi vào đầu tháng 5.
Bắc Triều Tiên nói rằng việc này xảy ra vì Nam Triều Tiên đã xúc phạm danh dự của Bình Nhưỡng và những mối căng thẳng gia tăng vì những cuộc tập trận chung hàng năm giữa Nam Triều Tiên với Hoa Kỳ.
Bình Nhưỡng đã phản ứng giận dữ sau khi bị Liên hiệp quốc áp đặt thêm các biện pháp chế tài vì vụ phóng hỏa tiễn hồi tháng 12 và vụ thử nghiệm hạt nhân hồi tháng hai.
Ngoài việc muốn Bắc Triều Tiên bảo đảm là sẽ không đơn phương đóng cửa khu công nghiệp Kaesong, Seoul cũng muốn Bình Nhưỡng cho phép các nước khác đầu tư vào Kaesong ngõ hầu sự vận hành của khu này được ổn định hơn.
Giáo sư Lim nói rằng Bình Nhưỡng không muốn có sự dính líu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Lim cho biết vì Bắc Triều Tiên không muốn dành quyền lợi cho các công ty nước ngoài nên họ khó có thể đầu tư vào khu Kaesong. Nhưng nếu họ đồng ý, có phần chắc là các công ty Trung Quốc sẽ được mời tham gia trước, và sau đó là các công ty Âu châu. Giáo sư Lim nói thêm rằng Trung Quốc đã hợp tác và giao thương với Bắc Triều Tiên và hai miền Triều Tiên nghĩ rằng Âu châu có thái độ linh động hơn về vấn đề các biện pháp chế tài mà cộng đồng quốc tế áp đặt lên Bình Nhưỡng.
Khu Kaesong được khai trương năm 2004 trong khuôn khổ của chính sách Aùnh Dương của Tổng thống Nam Triều Tiên Kim Dae Jung nhằm giao tiếp với chính quyền Bình Nhưỡng và trợ giúp cho Bắc Triều Tiên. Khu này đã tiếp tục vận hành trong những thời kỳ căng thẳng tăng cao. Hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục trong năm 2010, khi một ngư lôi của Bắc Triều Tiên đánh chìm một chiến hạm của Nam Triều Tiên, giết chết 46 binh sĩ hải quân, và Bình Nhưỡng pháo kích vào một hòn đảo ở miền nam, giết chết 4 người.
Việc khu Kaesong tạm thời bị đóng cửa làm cho các doanh nghiệp Nam Triều Tiên phải gánh chịu nhiều thiệt hại trong lúc chính phủ Bắc Triều Tiên cũng mất đi một nguồn thu nhiều triệu đô la. Mặc dù vậy, giáo sư Kim Young Hyun của Đại học Dongkuk cho rằng việc thu hẹp sự khác biệt giữa lập trường của Nam và Bắc Triều Tiên là một việc khó khăn.
Ông Kim Young Hyun nói rằng những sự thay đổi bên ngoài bán đảo Triều Tiên - chẳng hạn như việc mở lại cuộc đàm phán 6 bên; những nỗ lực của Hoa Kỳ và Trung Quốc, và áp lực của cộng đồng quốc tế sẽ giúp cho khu Kaesong được bình thường hóa và nhờ đó mà các mối quan hệ Liên Triều có thể sẽ được cải thiện.
Năm 2009 Bắc Triều Tiên đã rút khỏi cuộc đàm phán 6 bên nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Hồi tháng trước, nhà thương thuyết hạt nhân kỳ cựu của Bắc Triều Tiên nói với các giới chức Trung Quốc rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng thực hiện lại cuộc đàm phán với Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ cho biết trước tiên họ muốn thấy Bắc Triều Tiên có hành động để chứng tỏ thái độ nghiêm túc đối với mục tiêu từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.