OPEC: Nhu cầu dầu hỏa trên thế giới sút giảm
Ông Richard Swan, tổng biên tập của Platts, cơ sở cung cấp thông tin về năng lượng, hóa dầu, cơ khi và nông nghiệp trên toàn thế giới cho biết:
“Người ta đã tính toán số cung của các nhà sản xuất không nằm trong OPEC và số cầu của cả thế giới. Trừ đi hai số đó sẽ còn lại phần cung của OPEC. Điều mà người ta nhận thấy là phần của OPEC trong hình miếng bánh nhỏ hơn cho năm tới. Lý do là vì các nhà sản xuất ngoài OPEC, nhất là Hoa Kỳ, ngày càng sản xuất dầu nhiều hơn. Số cầu của thế giới cũng tăng nhưng không tăng bằng số cung. Tóm lại, thị phần dành cho OPEC trong năm tới sẽ teo lại.”
OPEC ước tính rằng qua năm tới, các nước sẽ mua của họ 29,6 triệu thùng một ngày.
Ông Swan nói rằng như vậy là dưới mức sản xuất của OPEC khoảng một triệu thùng một ngày:
“Điều này có thể tạo vấn đề cho họ. Nó hàm ý rằng nếu giữ nguyên mức sản xuất, họ sẽ cung cấp quá số cầu mà thị trường cần.”
Ông Swan nói rằng cái quan trọng nhất của OPEC là giá bán của một thùng dầu:
“Đó là con số dùng để tính kim ngạch xuất khẩu hàng năm của họ. Kim ngạch này đóng góp vào ngân sách của họ để họ có tiền chi dùng. Hiện nay giá dầu vẫn không thay đổi cho nên họ vẫn chưa phải bận tâm.”
Tuy nhiên, ông Swan nói rằng OPEC sẽ phải bận tâm nếu họ xét đến các yếu tố khác:
“Nếu họ đừng nhìn đến giá cả, họ sẽ thấy nguyên tắc cung cầu sẽ không mấy tốt cho họ. Ngoài ra, hiện nay Hoa Kỳ đang phát triển loại dầu đá phiến, và Canada đang tìm cách phát triển loại dầu mà thuật ngữ chuyên môn gọi là bitumen. Nói tóm lại, thị phần sẽ không còn tốt đẹp cho OPEC giống như trước, nhưng họ vẫn yên tâm nếu dầu vẫn giữ giá trên 100 đôla một thùng.”
Theo trông đợi, các nước ngoài OPEC sẽ tăng sản xuất thêm rất nhiều dầu vào năm tới, vào độ 1,2 triệu thùng một ngày, gần một nửa số này là của Hoa Kỳ và Canada.
Ngành dầu hỏa của Hoa Kỳ phát triển một phần lớn là nhờ kỹ thuật bẻ gãy bằng thủy lực, từ chuyên môn là fracking. Kỹ thuật này là bơm các loại hóa chất từ dưới lòng đất lên để bẻ gãy những khối đá phiến, giúp cho dầu khí và dầu hỏa thoát ra. Mặc dù các công ty sử dụng kỹ thuật này nói fracking không hại cho môi trường nhưng vẫn bị chỉ trích là làm nước bị nhiễm độc.
“Theo tôi, Hoa Kỳ đã đi đầu trong kỹ thuật fracking. Hoa Kỳ đã từng đi đầu trong nhiều tiến bộ công nghệ khác. Và cũng giống như nhiều tiến bộ công nghệ khác, kỹ thuật fracking cũng bị các nhà bảo vệ môi trường chỉ trích.”
Ông cho hay nhiều nước khác cũng có số lượng đá phiến đáng kể, chẳng hạn như Anh, Ba lan và Ukraina. Nhưng các nước này đang có thái độ chờ xem câu chuyện fracking ở Mỹ sẽ diễn tiến như thế nào.
Một trong những nước của OPEC bị thiệt thòi khi Hoa Kỳ tăng sản xuất dầu, đó là Nigeria:
“Nigeria đã mất đi một khách hàng lớn, là Hoa Kỳ. Giờ đây, Nigeria phải đi tìm khách hàng mới để bán dầu.”
Algeria, một thành viên khác của OPEC cũng rơi vào tình huống tương tự, số bán của họ sang Hoa Kỳ giảm phân nửa. Bây giờ Algeria đang quay sang Trung Quốc. Trung Quốc là nước đang mua rất nhiều dầu của Angola, một thành viên khác của OPEC.
“Angola sản xuất nhiều loại dầu thô khác nhau. Họ bán rất nhiều sang các nước châu Á, nhất là Trung Quốc.”
Ông Swan tin rằng nhu cầu về dầu thô của Trung Quốc không tăng nhiều trong năm 2014 nhưng vẫn là nước đứng đầu về nhu cầu dầu hỏa.
Việc Hoa Kỳ tăng mức sản xuất dầu là nằm trong chiến lược lâu dài của họ, để giảm bớt phụ thuộc vào số dầu nhập của nước ngoài.