Trung Quốc phát hiện văn tự 5.000 tuổi
Chữ khắc trên hiện vật tìm thấy tại một di tích ở phía nam thành phố Thượng Hải có niên đại xưa hơn chữ viết lâu đời nhất của Trung Quốc tới 1.400 năm. Các học giả Trung Quốc còn đang tranh cãi liệu những nét khắc này là những từ hoặc một cái gì đó đơn giản hơn, nhưng họ nói rằng phát hiện này sẽ làm sáng tỏ nguồn gốc của ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.
Văn tự lâu đời nhất trên thế giới được cho là từ vùng Lưỡng Hà, có niên đại khoảng hơn 5.000 năm. Văn tự Trung Quốc được cho là được phát triển một cách độc lập.
Những nét khắc này được tìm thấy trên hơn 200 mảnh được đào lên từ Khu di tích Lương Chử thời kỳ Ðồ đá mới. Những mảnh nằm trong số hàng ngàn mảnh vỡ của gốm, đá, ngọc, gỗ, ngà voi và xương được khai quật từ di tích này từ năm 2003 đến năm 2006, theo lời nhà khảo cổ học dẫn Hứa Tâm Mẫn.
Các nét khắc này chưa được các chuyên gia nước ngoài xem xét, nhưng một nhóm các học giả Trung Quốc về khảo cổ học và văn tự cổ đã gặp nhau hồi cuối tuần trước ở tỉnh Chiết Giang để thảo luận về phát hiện này.
Họ đồng ý rằng những nét khắc này vẫn chưa đủ để được xem là một hệ thống chữ viết phát triển, nhưng ông Hứa nói chúng cho thấy có bằng chứng về từ trên hai miếng đá rìu vỡ.
Hiện nay, các học giả Trung Quốc đã đồng ý gọi chúng là văn tự nguyên thủy, một thuật ngữ mơ hồ cho thấy những nét khắc của di tích Lương Chử nằm đâu đó giữa ‘biểu tượng’ và ‘từ’.
Văn tự cổ nhất của Trung Quốc được tìm thấy trên xương động vật, được gọi là ‘giáp cốt văn,’ có niên đại 3.600 năm, thuộc triều đại nhà Thương.
(International Business Times, New York Daily News)