Lãnh tụ đối lập sống lưu vong cam kết trở về Kampuchea
Thông báo của ông Sam Rainsy hồi cuối tuần cho biết ông ấy sẽ trở về Kampuchea chắc chắn sẽ gây phấn khởi cho các ủng hộ viên của đảng Cứu nguy Dân tộc Kampuchea, liên minh của các đảng đối lập chính phối hợp với nhau để tham gia tranh cử.
Ðây cũng là một vấn đề cho ông Hun Sen, vị thủ tướng độc tài đã tại chức lâu năm, và xảy ra vào một thời điểm mà tình hình chính trị của Kampuchea đang bị nhiều người xem xét. Vào thứ ba, Hoa Kỳ sẽ mở một phiên điều trần tại Quốc Hội về bối cảnh chính trị nhiều áp lực tại Kampuchea.
Ông Sam Rainsy đang sống lưu vong đã nói trong nhiều dịp trước đây rằng ông sẽ trở về, nhưng sau đó lại không về. Phân tích gia chính trị Chea Vannath tin rằng lần này sẽ khác.
Bà Vannath nói: “Dường như lần này thì không phải là nói chơi nữa – ông ấy vẫn nói là sẽ trở về, nhưng chưa hề làm như thế. Song lần này thì tình huống có khác đi, do đó khả năng là có thể ông ấy thực sự sẽ trở về.”
Trong số những động cơ mà bà Vannath nhận thấy là số cử tri thuộc giới trẻ ngày càng nhiều có cảm tình với phe đối lập, và lạc quan rằng đảng Cứu nguy Dân tộc Kampuchea sẽ đạt thành tích tốt trong cuộc bầu cử. Áp lực quốc tế cũng sẽ thuận lợi.
Ông Rainsy rời Kampuchea vào năm 2009 trước 2 vụ xét xử của toà án, cả hai đều có liên quan đến đường biên giới không được phân định rõ ràng và gây nhiều tranh cãi với Việt Nam.
Các toà án đã tuyên phạt ông Rainsy án tù 2 năm vì tháo gỡ một cột mốc biên giới tạm thời, và thêm 9 năm tù về thông tin sai lạc sau khi ông trưng bầy một bản đồ với đường biên giới mà chính phủ nói là không đúng.
Án tù được nhiều người coi là một mưu toan vụng về dùng các toà án để gây trở ngại cho đối thủ chính trị hữu hiệu và nghiêm trọng nhất của ông Hun Sen.
Ông Rainsy cũng bị mất ghế tại quốc hội và đã bị cấm không được dự tranh trong cuộc bầu cử.
Ông Rainsy nói cuối tuần này sự trở về của ông sẽ trắc nghiệm lời tuyên bố của chính phủ rằng cuộc bầu cử sẽ tự do và công bằng.
Chính phủ nhất mực nói là hoan nghênh việc ông Rainsy trở về. Nhưng hôm thứ hai phát ngôn viên chính phủ Phay Siphan nói ông trông đợi các toà án sẽ thực thi trách nhiệm của họ - nói ngắn gọn là ông Rainsy sẽ bị bắt giữ và buộc sẽ phải thụ án tù.
Nhưng bắt giữ người lãnh đạo phe đối lập sẽ làm hoen ố hình ảnh quốc tế của Kampuchea và gây lúng túng cho một số các quốc gia hảo tâm thường cung cấp những khoản tiền lớn mỗi năm.
Bà Chea Vannath nói bỏ tù ông Rainsy cũng sẽ có nguy cơ biến ông thành một thứ thánh tử vì đạo. Bà tin rằng có thể đạt được một thỏa thuận để đỡ mang tiếng, một thỏa thuận mà quốc vương Kampuchea, một nhà vua hợp hiến, có thể giúp mang lại.
Bà nêu ra rằng cố quốc vương đã điều phối các giải pháp cho những vấn đề chính trị khi ông còn tại vị vào thập niên 1990.
Bà Vannath giải thích: “Có thể là nếu thỏa hiệp là: từ phi trường đi thẳng vào tù. Và sau đó, sẽ có thỏa hiệp đâu đó.”
Ðiều đó, theo bà, sẽ chứng tỏ rằng một giải pháp có lợi chung – cho dù có bao gồm việc ông Rainsy chỉ ở trong tù có vài tiếng đồng hồ. Một thứ hình phạt nào cần phải được trả, sau đó trên lý thuyết có thể dùng một hình thức ân xá nào đó của nhà vua.
Bà Vannath nói: “Ðó là một khả năng. Và tôi cũng dành thêm tầm quan trọng cho vai trò của nhà vua thay vì cho cộng đồng quốc tế, bởi vì thủ tướng rất khó chịu nếu ai đó nói anh ta làm một điều gì đó bởi vì áp lực quốc tế - ông cảm thấy Kampuchea là một nước có chủ quyền, không bị áp lực của bất cứ nước ngoài nào. Vì thế nhà vua là thích hợp hơn so với cộng đồng quốc tế.”
Phe đối lập lấy làm lạc quan rằng ông Rainsy sẽ trở về trước ngày bầu cử và rằng sự hiện diện của ông sẽ thúc đẩy cho cơ may của họ. Bà Chea Vannath nói nhiều ủng hộ viên của ông sẽ bị thất vọng và năm 2013 sẽ đánh dấu sự kết thúc của một sự nghiệp chính trị lâu dài.