Tranh chấp Biển Đông sẽ được đưa ra thảo luận ở Bắc Kinh
Năm ngoái diễn đàn ASEAN kết thúc mà không đạt được một sự đồng thuận vì những tranh cãi về Biển Đông. Nhóm này chấm dứt các cuộc họp mà không có một tuyên bố chung lần đầu tiên trong lịch sử.
Năm nay, thông cáo chung nhấn mạnh đến việc tuân thủ một thỏa thuận không có tính bắt buộc đã có từ 11 năm giữa Trung Quốc và 10 quốc gia thành viên để xử lý một cách hòa bình các lời khẳng định tranh nhau chủ quyền trong vùng Biển Đông. Nó cũng đề nghị mở các “cuộc hội ý chính thức” về một quy tắc ứng xử vào tháng 9 ở Bắc Kinh. Các cuộc đàm phán dự trù sẽ diễn ra giữa các giới chức cấp thấp và tập trung vào các biện pháp tránh xung đột. Theo dự kiến họ sẽ không thảo luận những tranh chấp lãnh hải.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Fernandez nói nước ông hoan nghênh diễn biến này.
“Ðó chính xác là điều chúng ta đã vận động, đến nay đã lâu rồi, rằng chúng ta phải có khả năng kết thúc một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc để cai quản các hoạt động ở vùng biển Tây Philippines.”
Ông Hernandez dùng tên địa phương của Manila để chỉ Biển Đông.
Bang giao giữa Philippines và Trung Quốc đã băng giá đáng kể sau một vụ đối đầu kéo dài 2 tháng hồi năm ngoái giữa các tàu thuyền ở Bãi cạn Scarborough, mà Philippines nói nằm sâu trong vùng đặc khu kinh tế 370 kilomet do luật quốc tế quy định. Rồi tháng 5 năm nay, người ta đã nhìn thấy các tàu dân sự của Trung Quốc và một tàu tuần cỡ trung trong khu vực Bãi cạn Thomas Thứ nhì, mà Philippines nhận chủ quyền.
Trung Quốc, Ðài Loan và Việt Nam đòi chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển, trong khi Philippines, Malaysia và Brunei nhận chủ quyền từng phần. Vùng biển này được cho là giàu trữ lượng dầu và khí đốt thiên nhiên, với nhiều nguồn cá và các tuyến hàng hải nhiều tầu bè qua lại.
Trong số các nước đòi chủ quyền, Philippines từng là nước lên tiếng nhiều nhất về những vụ Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của mình. Tuần này, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario lên án điều ông gọi là “hành động quân sự hóa ngày càng tăng” vùng biển này. Nhận định này được đưa ra sau khi các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo về một cuộc “phản công” nhắm vào Philippines nếu nước này tiếp tục khiêu khích Bắc Kinh.
Chuyên gia phân tích an ninh Carl Thayer thuộc Viện Quốc phòng Australia nói cuộc họp ASEAN năm nay mang tính đoàn kết hơn bởi vì các ngoại trưởng của các nước không có phần chủ quyền trong vùng biển đã gắng hết sức để xây dựng sự thống nhất sau cuộc họp năm ngoái.
“Ðiều quan trọng bao trùm là Indonesia đã nắm một vai trò. Thái Lan đã nhận vai trò là nước phối hợp và tìm cách đưa bóng. Và Trung Quốc đang cố gắng không tỏ ra cô lập và không để cho vấn đề bị quốc tế hóa ở mức độ lớn hơn. Và lại có sự thay đổi lãnh đạo ở Trung Quốc và ban lãnh đạo này đang đáp lại những biến chuyển này.”
Ông Thayer nói việc Trung Quốc đồng ý tham khảo về một bộ quy tắc ứng xử mang tính bắt buộc hơn là một bước đi theo đúng hướng. Nhưng ông nói còn tùy thuộc rất nhiều vào mức độ cam kết của Trung Quốc với các điều khoản của bộ quy tắc đó.