Người Ai Cập chờ đợi hành động của quân đội
Trong một thông cáo đưa ra ngay trước hạn chót, ông Morsi đề nghị một chính phủ đồng thuận như một lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Nhưng ông cũng nhắc lại rằng ông không có ý định từ chức, và cảnh báo rằng tính cách hợp pháp bầu cử của ông là cái khiên bảo vệ duy nhất chống lại bạo động và bất ổn.
Một phụ tá cấp cao cho ông Morsi sau đó đã kêu gọi người dân Ai Cập có thái độ ôn hòa khi cưỡng lại điều ông gọi là “một cuộc đảo chính quân sự” sắp diễn ra.
Quân đội đã định kỳ hạn 48 tiếng đồng hồ cho ông Morsi giải quyết tình trạng bế tắc chính trị nếu không muốn quân đội can thiệp, và nói họ sẽ áp đặt một “lộ đồ” cho tương lai của Ai Cập nếu những sự bất đồng giữa Tổng thống Morsi và những đối thủ của ông không được giải quyết trước 5 giờ chiều thứ tư giờ địa phương.
Ngay sau khi kỳ hạn trôi qua, một trực thăng cơ quân đội đã bay lượn trên các đám đông khổng lồ chống ông Morsi tại Quảng trường Tahrir ở Cairo, và biến thành một biển người phất cờ Ai Cập. Cách đó vài kilomét, lại diễn ra một cuộc tập họp ủng hộ chính phủ.
Thêm hàng triệu người Ai Cập có mặt tại các quảng trường chính trong các thành phố khắp nước qua ngày thứ tư liên tiếp, nhiều người ủng hộ nhà lãnh đạo dân cử đầu tiên của Ai Cập, nhưng nhiều người khác lại đòi ông từ chức và mở các cuộc bầu cử sớm.
Trước đó trong ngày, Bộ Nội vụ Ai Cập cảnh báo rằng cảnh sát sẽ nghiêm khắc đáp lại bất cứ hành vi bạo lực nào sau một tuần lễ đổ máu đã làm gần 40 người thiệt mạng, trong đó có 18 người chết trong những vụ xô xát ban đêm gần trường Đại học Cairo.
Các giới chức an ninh cho hay binh sĩ với xe thiết giáp đã chiếm các phim trường của đài truyền hình nhà nước Ai Cập ở trung tâm Cairo.
Truớc đó trong ngày thứ tư, Tướng Abdel Fattah al-Sisi, Tư lệnh quân đội Ai Cập, đã họp với lãnh tụ ủng hộ cải cách Mohamed ElBaradei, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Hồi giáo và Cơ đốc giáo Coptic và một số đảng Hồi giáo nhỏ hơn để thảo luận con đường đi tới cho Ai Cập.
Cánh chính trị của tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo đương quyền đã từ chối lời mời gặp al-Sisi, và nói họ chỉ thừa nhận tổng thống Morsi được dân bầu lên.
Tăng thêm áp lực lên ông Morsi, cơ quan tư pháp tối cao của Ai Cập xác nhận việc phục chức cho công tố viên Abdel Meguid Mahmud, đã bị tổng thống sa thải hồi năm ngoái.
Trong một bài phát biểu đêm thứ ba, Tổng thống Morsi bênh vực tính hợp pháp của ông và nhất quyết ở lại chức vụ, cho dù việc này đưa ông đến cái chết. Ông cũng yêu cầu quân đội rút lại lời đe dọa can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị.
Tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo của ông Morsi giận dữ bác bỏ tối hậu thư của quân đội như một mưu đồ tổ chức một cuộc đảo chính quân sự.
Người phát ngôn của tổ chức, ông Gehad El-Haddad, nói với đài VOA tổ chức này sẽ không dùng khí giới để chống lại quân đội. Nhưng ông nói họ sẽ can thiệp trực tiếp vào bất cứ âm mưu nào buộc ông Morsi ra đi.
Ông nói: “Nếu xe tăng lăn tới trước tổng thống, chúng tôi sẽ ngăn lại. Và lúc đó xe tăng sẽ có một trong hai chọn lựa: cán lên chúng tôi và xác của chúng tôi, hoặc đứng yên và tôn trọng tính hợp pháp của tổng thống chúng ta. Không có chọn lựa thứ ba.”
Nhưng người phát ngôn của phong trào Tamarud đối lập ở Ai Cập nói ông Morsi không còn thời gian nữa.
“Giờ chiến thắng đã đến gần. Chỉ còn vài giờ đồng hồ trong kỳ hạn mà quân đội đã định cho vị tổng thống bất hợp pháp này rời khỏi dinh tổng thống. Tôi tin rằng bổn phận của chúng ta là ra mặt và bầy tỏ ý chí của chúng ta để có thể bảo vệ ý chí đó.”
Nhiều phần trong kế hoạch quân đội tiết lộ cho thông tấn xã nhà nước Ai Cập và các cơ quan truyền thông khác cho thấy các giới chức quân đội đã sẵn sàng đình chỉ hiến pháp, giải thể viện lập pháp và lập một chính phủ lâm thời.
Quân đội từng nói không muốn nắm quyền chính trị dài hạn. Nhưng lời trấn an đó đã bị ông Haddad và các thành viên của tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo bác bỏ, vì nhiều người vẫn nghi ngờ về sự hậu thuẫn của quân đội dành cho chế độ độc tài khắc nghiệt từ mấy chục năm nay.