Ủy ban Quốc hội Mỹ chỉ trích việc quản lý của Cơ quan BBG
Tiêu đề của buổi điều trần ngày thứ Tư đã cho mọi người thấy rõ câu hỏi chính của sự kiện này: “Hội đồng Quản trị Truyền thanh Truyền hình: Một Cơ quan không còn hoạt động hiệu quả nữa.”
Vào tháng Giêng năm nay, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton nói với một Ủy ban Quốc hội là Cơ quan giám sát về phát thanh, truyền hình của Hoa Kỳ, được biết dưới tên BBG, hoạt động không hữu hiệu và trên thực tế “đã chết”.
Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao, dân biểu Ed Royce thuộc đảng Cộng hòa nhấn mạnh vấn đề không phải là do các nhà báo làm việc cho Đài VOA và các phát thanh viên khác.
“Mỗi ban phát thanh đều đầy những phóng viên nhiều kinh nghiệm, liều mạng sống để làm tròn công việc của họ.”
Tuy nhiên, Dân biểu Royce và những người khác tại buổi điều trần nói cơ cấu của BBG làm cho công việc của các phóng viên khó khăn hơn và nhiệm vụ của cơ quan này không rõ rệt sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Một phúc trình của Tổng Thanh tra được công bố trước đây trong năm kết luận là BBG không chu toàn những nhiệm vụ được giao phó.
Dân biểu Eliot Engel, thuộc đảng Dân chủ một thành viên cao cấp trong Ủy ban Ngoại giao nhắc đến phúc trình này:
“Và phúc trình cho là thất bại này do một cơ cấu có khuyết điểm và những bất đồng nội bộ mạnh mẽ mà ra.”
Ông James Glassman, cựu chủ tịch BBG, nói BBG không chết nhưng còn sống và khỏe mạnh và đang phục vụ cho hơn 200 triệu khán thính giả trên toàn thế giới mỗi tuần. Tuy nhiên, ông Glassman kêu gọi chấm dứt qui chế độc lập của BBG và đặt cơ quan này dưới quyền kiểm soát của Bộ Ngoại giao.
Ông Glassman nói thêm là nên cho các ban phát thanh phát hình biết rõ là họ làm việc trong khu vực công và là một bộ phận của chính sách ngoại giao của Mỹ. Điều này không chỉ đơn giản là làm việc theo một lề lối phù hợp với những mục tiêu bao quát của chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ như luật định, nhưng thay vào đó là phải theo đúng những chỉ thị chiến lược hiện hành.
Ông Glassman cho rằng việc này sẽ xóa bỏ được điều ông gọi là “lúng túng” về sứ mạng của BBG.
Đài VOA được luật pháp đòi hỏi phải đưa những tin tức chính xác, khách quan và toàn diện, và trình bày những chính sách của Hoa Kỳ một cách rõ ràng và hữu hiệu.
Trong số những nhân chứng tại buổi điều trần là hai cựu quản trị viên của BBG có quan điểm khác nhau về cơ cấu quản trị tương lai của BBG. Tất cả đều đồng ý là một Ủy ban chỉ làm việc bán thời gian khó lòng có thể giám sát tất cả các ban.
Tuy nhiên, ông Jeff Hirschberg, một cựu thành viên của BBG, đã mạnh mẽ phản đối ý kiến của ông Glassman là Đài VOA và những đài phát thanh khác nên được đặt dưới quyền của Bộ Ngoại giao.
“Điều quan trọng nhất mà cơ quan phát thanh quốc tế của Hoa Kỳ được thế giới ưa chuộng là tính chất đáng tin cậy.”
Ông Hirschberg nhấn mạnh là chuyển những phát thanh viên đi hay đặt dưới quyền của Bộ Ngoại giao sẽ phá hủy tính tin cậy đã đạt được qua nhiều thập niên gìn giữ tính chính trực của các nhà báo.
Sau buổi điều trần, BBG đưa ra một tuyên bố cho Đài VOA nói rằng BBG hiện đang làm việc về những phương cách để giải quyết vấn đề cơ cấu, giảm thiểu tình trạng trùng lắp và khuyến khích sáng kiến với mục đích cung cấp những hỗ trợ tốt nhất có thể được cho những công việc được tán thưởng của các nhà báo trên toàn thế giới, trong lúc ngân sách càng ngày càng eo hẹp.
Một số nhà lập pháp chỉ ra rằng những cơ quan truyền thanh quốc tế khác như là al-Jazeera hoạt động với ngân sách lớn hơn nhiều, và kêu gọi tăng thêm ngân quỹ cho Đài VOA và những đài khác để giúp họ cạnh tranh trên thế giới.