Vụ kiện của Úc chống người Nhật săn cá voi bắt đầu tại tòa á
Vào năm 2010 Australia đã bắt đầu hành động pháp lý chống lại chương trình săn bắt hàng năm của Nhật ở vùng biển Nam Cực để ngăn chặn điều mà Canberra nói là “vụ giết hại bất hợp pháp và không cần thiết” hàng ngàn con cá voi ở vùng biển lạnh giá này.
Australia cho rằng việc săn bắt này vi phạm các luật lệ quốc tế, trong đó có một lệnh cấm săn cá voi cho mục đích thương mại. Họ cũng nói rằng hành động của Nhật không dính dáng gì tới mục tiêu bảo tồn sinh vật biển.
Nhật Bản thì cho rằng những hoạt động của họ là hợp pháp và phục vụ cho những mục tiêu khoa học và văn hóa. Nhật đã tự cấp cho họ một “giấp phép khoa học”, một việc được phép thực hiện dựa trên các qui định do Ủy ban Săn Cá voi Quốc tế soạn thảo.
Giáo sư Donald Rothwell của Đại học Quốc gia Australia cho biết trong trường hợp tòa án ngã về phía Australia, các vị thẩm phán có thể ra lệnh cho Nhật giảm thiểu qui mô của các chương trình săn cá voi xuống tới mức mà các chương trình này không có lợi ích gì về mặt thương mại.
Giáo sư Rothwell nói: "Mục đích tối hậu của Australia là chấm dứt cuộc săn bắt cá voi hàng năm. Nhưng nếu họ có thể có được một quyết định của tòa án trong đó tòa án ấn định một con số cho số cá voi mà Nhật Bản có thể đánh bắt cho mục đích nghiên cứu khoa học, thì con số đó có thể quá nhỏ và nó sẽ làm cho việc Nhật Bản tiếp tục hoạt động đánh bắt cá voi hiện nay trở thành một việc hoàn toàn không có hiệu ích kinh tế."
Lệnh cấm săn cá voi cho mục đích thương mại đã được áp dụng từ một phần tư thế kỷ nay, nhưng Nhật Bản muốn bắt khoảng 1.000 con cá voi mỗi năm cho điều mà họ gọi là nghiên cứu.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói rằng hoạt động săn bắt này là cần thiết để khảo sát về những tiêu chí sinh học, như sự phân bổ tuổi tác, giới tính và tỉ lệ mang thai của cá voi. Những người chỉ trích nói rằng không còn gì nhiều để Nhật Bản có thể kết luận về tính chất lâu bền của số cá voi sau khi đã thực hiện những cuộc nghiên cứu trong nhiều thập niên từ khi lệnh cấm quốc tế được áp dụng.
Nhật Bản cũng cho rằng có những lý do chính đáng về văn hóa để thực hiện cuộc săn bắt hàng năm mà họ cho là có tầm quan trọng về kinh tế xã hội đối với những cộng đồng nhỏ ở ven biển đã bị thiệt hại nhiều vì lệnh cấm săn bắt cá voi.
Nhật Bản cung nhất mực cho rằng hoạt động săn cá voi của họ có tính chất lâu bền về mặt sinh thái học, và họ không che giấu sự thật là số cá voi đó được mang bán trên thị trường. Tokyo nói rằng ăn thịt cá thoi là một truyền thống ẩm thực và tiền bán cá được dùng để bù đắp phần nào cho phí tổn của chương trình săn cá voi.
Australia sẽ được New Zealand ủng hộ tại Tòa án Quốc tế. Các chuyên gia nói rằng phán quyết có thể được loan báo vào cuối năm nay và sẽ có tính chất ràng buộc về pháp lý.
Hồ sơ nộp cho tòa án cho thấy Nhật Bản đã giết khoảng 6.500 con cá voi Nam Cực từ năm 1987 đến năm 2005, sau khi lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực, so với 840 cá voi mà họ săn bắt cho mục đích nghiên cứu trong khoảng thời gian 31 năm trước lệnh cấm.