Mỹ: Tổng thống Syria al-Assad đã vượt qua 'lằn ranh đỏ'
Quyết định này được đưa ra sau khi các giới chức Tòa Bạch Ốc nói rằng một báo cáo tình báo cho thấy đã tìm thấy bằng chứng chắc chắn là Damascus đã sử dụng vũ khí hóa học, kể cả khí độc chết người sarin, ở quy mô nhỏ nhắm vào phe nổi dậy Syria trong năm qua.
Trước sự thể này, Phụ tá Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Ben Rhodes hôm qua nói rằng Tổng Thống Barack Obama đã quyết định chấp thuận các “hỗ trợ quân sự trực tiếp” dành cho phe đối lập Syria.
Các giới chức Mỹ sau đó thừa nhận rằng sự hỗ trợ đó sẽ bao gồm vũ khí và đạn dược.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague hôm nay nói rằng London đồng ý với thẩm định của Hoa Kỳ về việc sử dụng vũ khí hóa học.
Ông Hague kêu gọi cộng đồng quốc tế phải phản ứng lại một cách “mạnh mẽ và quyết liệt”.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cũng hoan nghênh điều mà ông gọi là “phát biểu rõ ràng của Hoa Kỳ.” Ông nói sử dụng vũ khí hóa học là điều “hoàn toàn không thể được chấp nhận”, và ông kêu gọi Syria hãy cho phép Liên Hiệp Quốc điều tra các bản tường trình về việc sử dụng vũ khí hóa học.
Nhưng Nga, đồng minh của Syria nói rằng chứng cớ do Hoa Kỳ cung cấp “có vẻ không thuyết phục”.
Ông Yuri Ushakov, phụ tá của Tổng Thống Nga Vladimir Putin, còn nói rằng tăng viện trợ quân sự của Mỹ sẽ cản trở các nỗ lực nhằm triệu tập một hội nghị hòa bình cho Syria.
Các giới chức tình báo Mỹ trong nhiều tháng qua đã nói rằng họ nghi ngờ rằng vũ khí hóa học đã được chính quyền Syria sử dụng.
Tuy nhiên, Tổng Thống Obama nói ông cần phải thấy bằng chứng chắc chắn trước khi quyết định biện pháp kế tiếp. Hoa Kỳ cho tới nay chỉ cung cấp các viện trợ không sát thương cho phe nổi dậy Syria.
Trong phát biểu với các nhà báo hôm nay, Phụ tá Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Ben Rhodes nhấn mạnh rằng Tổng Thống Obama coi việc sử dụng vũ khí hóa học là một “lằn ranh đỏ”, mà nếu bị vượt qua, sẽ buộc Hoa Kỳ phải can thiệp nhiều hơn vào cuộc tranh chấp tại Syria. Và ông nói tin tức mới nhất đã thay đổi “sự tính toán” của ông.
Nhưng ông cảnh báo rằng Tòa Bạch Ốc vẫn không ủng hộ việc gửi binh sĩ Mỹ tới Syria, và chưa có quyết định nào được đưa ra về các phương án quân sự khác, chẳng hạn như thiết lập một khu vực cấm bay.
Loan báo này được đưa ra sau các cuộc thương thuyết kéo dài một tuần lễ cho thấy có chia rẽ sâu xa trong giới các giới chức chính phủ Hoa Kỳ về vai trò của Mỹ trong cuộc nội chiến ở Syria.
Tổng Thống Obama ngày càng bị áp lực từ phía các nhà lập pháp và những người khác, kể cả cựu Tổng Thống Bill Clinton, phải hành động quyết liệt hơn tại Syria.