Khi tới họp lần này, cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều nói quan hệ giữa hai nước rất quan trọng và hai nước phải tìm cách làm việc với nhau tốt hơn. Hoa Kỳ có một danh sách những mối quan tâm mà họ muốn giải quyết. Trung Quốc cũng vậy, và họ muốn nhấn mạnh nhiều hơn về tầm nhìn của họ trong quan hệ hai nước.
Về tầm nhìn đó, hồi đầu tuần này, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Thôi Thiên Khải nói rằng hội nghị sắp tới sẽ có tính cách “chiến lược và lịch sử.”
Theo tin Tân Hoa Xã, ông Thôi nói cuộc hội đàm này sẽ bao gồm các cuộc thảo luận có chiều sâu về các vấn đề quan trọng, liên quan tới phương cách xây dựng một mối quan hệ mới giữa hai cường quốc.
Trung Quốc cảm thấy rằng khi công khai thừa nhận nhau là siêu cường, một bên là siêu cường mới xuất hiện còn bên kia là một siêu cường đã lâu, hai nước có thể tránh được xung đột.
Ông Bàng Trung Anh, một nhà khoa học chính trị tại Trường Đại Học Nhân Dân ở Bắc Kinh, nói:
“Tính cách không chính thức và không có nhiều nghi lễ của cuộc họp này sẽ là một cơ hội rất quan trọng cho cả hai phía. Mặc dầu hãy còn quá sớm để nói điều gì có thể xảy ra, tôi hy vọng hai bên sẽ thực sự làm nên lịch sử.”
Các giới chức Tòa Bạch Ốc nói rằng trong cuộc hội đàm họ muốn đề cập càng nhiều vấn đề càng tốt và chú trọng tạo ra một mối quan hệ hiệu quả. Ông Bàng Trung Anh nói tiếp:
“Mặc dầu người Mỹ thích chủ động nghĩ ra phương cách để xác định quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng lần này Trung Quốc là phía chủ động nhiều hơn để xác định mối quan hệ này.”
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người tin là cuộc họp này sẽ đạt được kết quả đột phá.
Ông Tạ Thao, một giáo sư tại Trường Khảo cứu vấn đề Đối ngoại ở Bắc Kinh, nói rằng ông tin là cuộc họp này chú trọng nhiều hơn tới việc phát triển mức độ tin tưởng cá nhân. Ông nói, đây là một cơ hội cho hai bên thấy được họ có thể là bạn với nhau hay không:
“Tôi nghĩ đó là lý do tại sao hội nghị này được diễn ra tại một khung cảnh không chính thức và riêng tư, không giống như một số cuộc họp thượng đỉnh trước đây giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ. Vì thế hy vọng là hai nhà lãnh đạo này sẽ xây dựng được lòng tin cá nhân và lòng tin đó có thể lan sang các lãnh vực khác. Điều đó sẽ giúp các giới chức cấp thấp hơn, những viên chức hằng ngày phải can dự vào việc xây dựng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.”
Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng, hai nhà lãnh đạo sẽ có rất nhiều thời gian để thảo luận và chính phủ Mỹ nóng lòng thảo luận về những gì mà họ hy vọng sẽ bao gồm nhiều đề tài.
Không giống như các chuyến thăm chính thức, chỉ có một số thời gian giới hạn, không cho phép thảo luận đào sâu về các vấn đề, hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ-Trung Quốc sẽ có một cuộc họp vào thứ Sáu, một bữa ăn tối riêng tư, và rồi có thêm thảo luận vào thứ Bảy, trước khi kết thúc vào buổi trưa.
Hoa Kỳ nói rằng họ muốn nói chuyện về nhân quyền, Bắc Triều Tiên, và các cuộc tấn công trên mạng được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc và có ảnh hưởng tới những doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Ông Ngô Nhật Cường, một phó giáo sư Trường Đại Học Nhân Dân, nói rằng có nhiều cách Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể hợp tác trong vấn đề an ninh mạng, nhưng cần phải nói rõ hơn nữa về các loại tấn công khác nhau.
Ông nói rằng, Hoa Kỳ cần cung cấp thêm thông tin về các cuộc tấn công của tin tặc đã gây ra thiệt hại kinh tế:
“Không có cách gì chấm dứt các vụ tin tặc cho mục đích quốc phòng hay tình báo bởi vì nước nào cũng làm chuyện đó. Trung Quốc đánh cắp thông tin và Hoa Kỳ cũng vậy. Tuy nhiên, hai bên có thể tìm ra phương cách làm việc với nhau để bảo vệ các ngân hàng, các cơ sở hạ tầng và các lưới điện.”
Ông Tạ Thao nói rằng Bắc Triều Tiên chắc cũng là một đề tài quan trọng để thảo luận. Ông nói, mặc dầu lập trường của Trung Quốc không đảo ngược 180 độ, nhưng đã thay đổi đáng kể:
“Chúng tôi không thể chấp nhận có một nước độc tài, không đoán trước được, lại thử một võ khí hạt nhân. Hơn nữa, gắn bó chặt chẽ với một chế độ như thế này không có gì tốt cho Trung Quốc cả. Tôi nghĩ, cuối cùng các nhà lãnh đạo của chúng tôi ý thức được rằng cần thay đổi đường lối. Nhiều người không thích từ “bỏ rơi,” nhưng tôi nghĩ chúng tôi đang thay đổi đường lối.”
Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi Bắc Triều Tiên cải tổ kinh tế, và quay lại hội nghị sáu bên để thảo luận chuyện chấm dứt các chương trình hạt nhân.
Trong một buổi giải trình hồi đầu tuần này, các giới chức Tòa Bạch Ốc nói rằng mặc dù có những e ngại về các vụ tấn công trên mạng, Bắc Kinh và Washington đã có sự hợp tác xây dựng về vấn đề Bắc Triều Tiên.