Sri Lanka bị tố cáo gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến
Trong bản phúc trình mới - có nhan đề “Sự tấn công vào người bất đồng ý kiến”, Hội Ân xá Quốc tế cho biết những người chỉ trích chính phủ ở Colombo đã bị sách nhiễu bằng ngôn từ hoặc thể chất, bị tấn công và trong một số trường hợp, bị giết hại.
Phúc trình nói rằng những hành vi chà đạp nhân quyền này thường được thực hiện bởi các lực lượng an ninh hoặc những thành phần được lực lượng này chỉ huy.
Mục tiêu bị nhắm tới gồm có các vị thẩm phán thường đưa ra những phán quyết có lợi cho các nạn nhân của những vụ vi phạm nhân quyền, các cơ quan truyền thông chỉ trích các chính sách của chính quyền, các nhà hoạt động chính trị thuộc phe đối lập và các nhân vật tranh đấu cho nhân quyền.
Ông Steve Crawshaw, cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Hội Ân xá Quốc tế, đã bày tỏ sự lo ngại về thái độ của chính quyền mà ông nói là đáng đồng sự chỉ trích với âm mưu làm phản. Ông cho biết thái độ này đang tạo ra một bầu không khí sợ hãi.
Ông Crawshaw nói: "Tình hình hiện nay là có một áp lực vô cùng lớn đối với những người dám lên tiếng nói về pháp trị, nói thật về những gì đã xảy ra. Những người đó đang đối mặt với những áp lực rất lớn – họ bị loại ra khỏi chức vụ, bị biệt tích một cách hoàn toàn, hoặc bị buộc phải bỏ nước ra đi hoặc thậm chí bị giết hại, trong một số trường hợp. Đây là những dấu hiệu rất đáng lo ngại."
Hội Ân xá Quốc tế nêu lên vụ truất nhiệm Chánh án Tối cao Pháp viện Shirani Bandaranayake hồi tháng giêng, mà những người chỉ trích nói là có động cơ chính trị. Một viên phụ tá thân cận với tổng thống đã được bổ nhiệm làm tân chánh án tối cao pháp viện.
Tổ chức ở Londin này cũng cho biết ít nhất 15 nhà báo đã bị giết hại từ năm 2006 và nhiều người khác bị buộc phải bỏ nước ra khi sau khi có những bài viết có nội dung phê phán chính phủ.
Ông Crawshaw nói rằng một điều khoản tu chính hiến pháp được thông qua năm 2010 đã gia tăng quyền kiểm soát của tổng thống đối với các cơ quan tư pháp, lực lượng cảnh sát và các giới chức bầu cử.
Ông Crawshaw nói: "Chúng tôi nhận thấy một sự tập trung quyền hành rất mạnh mẽ trong những năm qua. Những tiếng nói bất đồng mỗi ngày một khó được nghe thấy hơn, bất kể là trong vấn đề chính trị hay trong vấn đề nhân quyền. Tôi nghĩ rằng với cách điều hành đất nước như hiện nay thì việc dùng hai chữ dân chủ để mô tả là một việc cực kỳ khó khăn."
Chính phủ Sri Lanka tiếp tục bị quốc tế nêu lên nghi vấn về những hành động của họ trong giai đoạn cuối của chiến dịch quân sự nhắm vào phiến quân Hổ Tamil. Theo cáo giác của các tổ chức nhân quyền, trong giai đoạn đó hàng vạn thường dân đã bị giết hại bởi binh sĩ chính phủ và phiến quân. Chính phủ đã cực lực bác bỏ những tố cáo về tội ác chiến tranh, trong đó có việc bắn chết tù binh. Cuộc nội chiến Sri Lanka kết thúc năm 2009.
Chính phủ Sri Lanka chưa bình luận gì về phúc trình mới của Hội Ân xá Quốc tế, nhưng trong quá khứ họ đã bác bỏ những cáo giác tương tự.
Ông Jehan Perera là người đứng đầu Hội đồng Hòa bình Quốc gia, một tổ chức độc lập ở Colombo. Ông nói rằng trong vài năm qua môi trường chính trị ở Sri Lanka đã “bị hạn chế” nhưng không trở nên tệ hại hơn trước.
Ông Perera nói: "Có sự hăm dọa các đối thủ chính trị và có tình trạng tự kiểm duyệt ở một mức độ nào đó trong giới truyền thông. Vấn đề này đã tồn tại khá lâu và không có dấu hiệu thuyên giảm nào cả. Tình trạng này chưa được cải thiện, nhưng tôi không nghĩ là đã trở nên trầm trọng hơn."
Hội Ân xá Quốc tế kêu gọi các nước trong Khối Liên hiệp Anh làm áp lực để chính phủ Sri Lanka giải quyết vấn đề mà họ gọi là tình hình nhân quyền “đáng báo động” ở nước này. Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp Anh sẽ được tổ chức tại Colombo vào tháng 11 tới đây.