Trong lúc các binh sĩ Hoa Kỳ tham gia những cuộc thao dượt chung với Nam Triều Tiên – là nước mà Bắc Triều Tiên nói là “đang ở trong tình trạng chiến tranh” với họ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói rằng Bình Nhưỡng vẫn có thể chấm dứt sự cô lập của quốc tế vì chương trình hạt nhân của họ. Ông cũng cho biết Trung Quốc nắm giữ vai trò then chốt trong tiến trình này.
Ông Kerry nói: "Họ có thể quay lại bàn hội nghị với tất cả các nước khác, trong đó có Trung Quốc, là nước láng giềng và đối tác hợp tác gần gũi nhất của họ. Trung Quốc là nước nắm giữ một vai trò vô cùng quan trọng và lúc nào cũng duy trì một mối quan hệ với Bắc Triều Tiên gần gũi hơn bất kỳ một nước nào khác."
Giới lãnh đạo mới ở Trung Quốc dường như cũng tán đồng ý kiến của Washington. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phát biểu như sau.
"Chúng tôi muốn hòa giải, không muốn căng thẳng. Chúng tôi muốn đối thoại, không muốn đối đầu. Xung đột ở bán đảo Triều Tiên không phục vụ cho lợi ích của bất cứ bên nào. Trung Quốc có quyết tâm bảo vệ cho hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên và vùng Đông Bắc Á."
Vậy thì Washington muốn Bắc Kinh làm gì? Ông Alexander Mansourov, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên đang làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Johns Hopkins, có lời giải đáp như sau.
Ông Mansourov nói: "Nếu Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là nước đầu tư nhiều nhất của Bắc Triều Tiên thì chúng ta có thể trông đợi họ sẽ thúc đẩy cho sự cai trị tốt đẹp và cho những chính sách có hiệu quả hơn về mặt kinh tế và những chính sách xã hội tốt hơn ở Bình Nhưỡng."
Ông Mansourov cho rằng sự thúc đẩy như vậy của Trung Quốc sẽ làm cho Bắc Triều Tiên thay đổi từ bên trong.
Ông Mansourov cho biết: "Kết cuộc thì thay vì gây sức ép lên Bắc Triều Tiên, Trung Quốc có thể giúp đỡ cộng đồng quốc tế qua việc tạo ra những sự thay đổi bên trong Bắc Triều Tiên – những sự thay đổi về kinh tế và xã hội mà hy vọng là một ngày nào đó sẽ đưa lên bề mặt những lực lượng chính trị mới, những lực lượng có thể tạo ra những sự thay đổi về chính trị."
Giáo sư Mansourov nói thêm rằng vấn đề then chốt ở đây là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bao nhiêu ảnh hưởng đối với Bắc Triều Tiên. “Không có bao nhiêu!” là câu trả lời của ông Bruce Klinger, một nhà phân tích của Quỹ Heritage ở Washington.
Ông Klinger nói: "Họ có ảnh hưởng ít hơn so với những gì mà nhiều người nghĩ là họ có, và họ không muốn dùng những ảnh hưởng mà họ có. Trên thực tế họ đã chứng tỏ cho mọi người thấy rằng họ là một phần của vấn đề chứ không phải là một phần của giải pháp."
Ông Klinger cho rằng nguyên do của tình trạng này là những hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở Bắc Triều Tiên.
Ông Klinger nói tiếp: "Lẽ ra họ phải chấp hành các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và những biện pháp chế tài đối với không riêng Bắc Triều Tiên mà đối với tất cả các nước thành viên vi phạm. Điều đó bao gồm những ngân hàng và công ty của họ mà chúng tôi biết là đồng lõa với Bắc Triều Tiên trong các hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân."
Chính phủ của Tổng thống Obama tin rằng Trung Quốc có quyết tâm thực thi các biện pháp chế tài của Liên hiệp quốc. Về việc này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland cho biết như sau.
Bà Nuland nói: "Theo sự hiểu biết của chúng tôi, họ đang xem xét trong nội bộ về những gì mà các luật lệ của chính họ đòi hỏi để thực thi Nghị quyết 2094 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Đó là nghị quyết mới nhất đòi hỏi các nước phải thực thi. Như quí vị đã biết, các chính phủ có quyền xem xét luật lệ của nước mình để bảo đảm là các luật lệ đó phù hợp với đòi hỏi của Liên hiệp quốc."
Trong chuyến công du đầu tiên tới Á châu trong cương vị nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ, ông Kerry sẽ đến thăm Nam Triều Tiên, là nước đang theo dõi sát các hoạt động xung quanh địa điểm thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Sau đó ông sẽ đến thăm Nhật Bản, nơi mà các giới chức quân sự hồi gần đây đã bố trí các đơn vị phòng thủ phi đạn Patriot tại ba căn cứ, trong đó có một căn cứ ở ngoại ô thủ đô Tokyo.