Chủ tàu bị Trung Quốc bắn ở Hoàng Sa ‘sẽ lại ra khơi’
Kể lại sự việc với VOA Việt Ngữ, ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, cho hay ông nghe thấy tất cả 6 tiếng súng nổ hôm 20/3.
“Lúc đầu, tôi nghe nổ bốn tiếng súng. Bốn phát đạn. Tôi không dừng. Tôi vẫn chạy máy. Hai phút sau tôi nghe thấy hai tiếng súng nữa. Sau đó chúng tôi thấy cabin bốc cháy", ông nói.
"Lúc đó tôi mới dừng tàu lại để cùng anh em dập tắt ngọn lửa và giữ lá cờ tổ quốc của mình để nó không bị cháy. Trên tàu có bốn bình gas cho nên tôi chỉ biết cứu lửa và bảo vệ lá cờ thôi, không thì mấy bình gas nó nổ thì gây ra tai nạn với các anh em”.
Ông Phải cho hay, thiệt hại trong chuyến đi đánh bắt hải sản vừa qua lên tới hàng trăm triệu đồng.
Trong khi đó, quân đội Trung Quốc mới được các hãng thông tấn quốc tế dẫn lời nói rằng một trong các tàu của họ đã bắn pháo sáng vào tàu Việt Nam, và rằng việc tàu cá bị hư hại là ‘hoàn toàn bịa đặt’.
Chủ tàu người tỉnh Quảng Ngãi cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông đánh bắt tại ngư trường truyền thống của người dân Lý Sơn nhưng chuyến đi nào cũng bị ‘tàu Trung Quốc xua đuổi và lần này mới bị bắn cháy’.
Theo ông Phải, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nên việc ngư dân ra đó đánh bắt cá là hợp pháp.
Ngư phủ này cho biết, sau khi sửa chữa tàu và trả nợ cũng như nhờ nghĩa tình ủng hộ của mọi người, ông sẽ ‘tiếp tục ra khơi, bám biển’.
Ông nói: “Biết là bên Trung Quốc sẽ gây khó khăn, nhưng mà vẫn phải tiếp tục ra khơi để mình giữ lại chủ quyền của mình và đồng thời yêu cầu nhà nước mình phải lên tiếng để giành lại chủ quyền, không để Trung Quốc xâm chiếm nữa”.
Về việc người dân đi đánh bắt tại biển Đông bất chấp các cảnh báo từ phía Trung Quốc, ông Dương Nhật, Phó Chủ tịch xã An Hải, Huyện đảo Lý Sơn, nơi nhiều ngư phủ sinh sống, nói họ không có lựa chọn nào khác.
Ông đặt câu hỏi: “Nếu bọn tôi không ra vùng biển bọn tôi làm ăn thì làm sao bà con sống qua ngày?”
Ông Nhật nói: “Cũng sợ chứ, nhưng mà cái việc làm kinh tế, bon chen thì họ cũng phải lo làm, chứ làm sao. Dân đảo thì sống một nghề này thôi. Đảo chỉ có sống bằng nghề biển, chứ không có làm nông nghiệp. Bây giờ anh có bị đánh đập, bị thương hay bị nọ kia, hay bể tàu, thì họ lại sắm sửa để đi tiếp thôi”.
Ông Nhật cho VOA Việt Ngữ biết rằng địa phương đã hỗ trợ cho những người gặp nạn ‘hai ba triệu để họ mua gạo họ ăn và ổn định tư tưởng chút’. ‘Chỉ có vậy thôi vì địa phương cũng khổ. Đâu có gì đâu’, ông chủ tịch nói.
Theo vị giới chức này, xã An Hải cũng đã vận động các ngư dân ‘không nên tham gia đánh bắt ở những vùng thuộc chủ quyền của Malaysia, Indonesia hay Hong Kong’.
Nhưng ông Nhật cho biết rằng ‘đôi lúc nhận thức của người dân kém’. “Có chết thì họ cũng vì miếng ăn”, ông nói.
Trong khi đó, ông Tiêu Viết Là, một ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi, cho biết ông không thể tiếp tục ra khơi vì ‘lâm bệnh sau khi bị các lực lượng Trung Quốc bắt và đánh đập’ khi đang đánh bắt ở khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa năm 2010.
Ông nói: “Vùng biển đó mình kêu là của Việt Nam mà nó (Trung Quốc) kêu là của nó đó. Mình vô làm là nó bắt và nó đòi tiền chuộc. Mà không trả tiền chuộc thì nó còn đánh mình rồi nó mới cho về. Nó thu tài sản hết nó mới cho về”.
Ngư phủ này cho biết ông bị Trung Quốc bắt 4 lần và thu giữ 2 chiếc thuyền trị giá nhiều tỷ đồng. Ông nói hiện gia đình vẫn lâm vào cảnh nợ nần và phải nương nhờ vào người con trai lớn cũng làm nghề đánh bắt xa bờ.
Ông Là cho hay, gia đình đang phải dành dụm để ‘trả dần cho hàng xóm trước, còn tiền nợ nhà nước thì tính sau’.
Bà Bưởi, vợ ông, nói: “Nhà tôi cũng đi làm thêm, làm mướn cho họ để kiếm ăn qua ngày thôi. Có biết làm gì đâu. Còn thiếu của ngân hàng 50 triệu nữa, chưa có trả cho họ. Họ cứ hỏi miết mà chưa có trả. Ông ấy đau, không đi làm gì được”.
Theo ông Là, hồi năm 2007, tàu cá của ông còn bị lực lượng của Trung Quốc bắn, làm 6 người bị thương, trong đó có một người bị thương nặng.
Việt Nam mới đây cũng đã lên tiếng phản đối Trung Quốc bắn cháy cabin tàu cá của ông Bùi Văn Phải, và nói rằng việc làm đó ‘đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam’.
Đáp lại, Bắc Kinh nói rằng hành động chống lại tàu cá Việt Nam hoạt động trái phép tại quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa) là thích đáng và hợp lý.
Trung Quốc giành quyền kiểm soát Hoàng Sa sau một trận hải chiến với quân lực Việt Nam Cộng hòa năm 1974.
Tường thuật này sẽ được phát sóng trong chương trình của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ vào lúc 10 giờ tối (giờ Hà Nội) ngày 30/3 trên sóng trung bình 256mét41, tức 1,170 KHZ. Chương trình cũng được truyền trực tiếp trên mạng tại địa chỉ: www.voatiengviet.com. Mời quý vị đón nghe. Xin chân thành cám ơn quý vị.
Các tường thuật đã phát trong chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam':
Dân biểu Mỹ lo ngại tinh thần dân tộc quanh vấn đề biển Đông
‘Không bàn vũ khí sát thương trong cuộc đối thoại Việt – Mỹ’
Philippines đưa Trung Quốc ra tòa, bài học nào cho Việt Nam?