Đổi lại, đảo quốc Síp trong tình trạng thiếu tiền mặt để hoạt động, sẽ được nhận một ngân khoản cứu nguy từ các bên cho vay quốc tế trị giá tới 13 tỉ đôla.
Trước hạn chót vào ngày hôm nay, kế hoạch cứu nguy tài chính vừa kể bao gồm việc đóng cửa ngân hàng Laiki của Síp, và chuyển các trương mục ký thác từ 130,000 trở xuống sang Ngân hàng Síp, vốn hoạt động tốt hơn.
Các trương mục hơn 130,000 đôla không được bảo hiểm dưới các quy định của Liên hiệp Châu Âu, sẽ phải chịu lỗ. Các số liệu về mức thiệt hại tài chính hiện chưa được rõ.
Bộ trưởng Tài chính Síp Vassos Shiarly nói rằng khó có thể chối bỏ rằng nhân dân đảo Síp sẽ phải trải qua một giai đoạn rất khó khăn trước mắt vì những hậu quả của các quyết định sai lầm trong một thời gian dài.
Thỏa thuận này đã đạt được vào sáng sớm hôm nay trong những cuộc thảo luận giờ chót với Liên hiệp Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Âu Châu và Quỹ tiền tệ Quốc tế tại Bruxelles.
Để bảo đảm món tiền vay được từ các bên cho vay quốc tế, chính quyền Cyprus cần tự mình gây quỹ tới 7,5 tỉ đôla.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nói rằng các nhà lập pháp Síp sẽ không cần phải biểu quyết về chương trình mới này, bởi vì trước đó họ đã ban hành một đạo luật đặt ra các thủ tục để giải quyết vấn đề ngân hàng.
Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde nói rằng thỏa thuận cứu nguy tài chánh cho Síp là “một kế hoạch toàn diện và có khả tín” để ứng phó với những thách thức kinh tế của Síp.
Các chủ nợ quốc tế nói rằng phương thức kinh doanh của Síp để thu hút đầu tư nước ngoài – trong số này có nhiều nhà đầu tư Nga, bằng mức thuế thấp và các quy định tài chính lỏng lẻo đã phản tác dụng, và phải được thay thế.
Chủ tịch nhóm cố vấn gồm Bộ trưởng Tài chính của khu vực đồng euro, ông Jeroen Dijsselbloem nói ông “tin chắc đây là một thỏa thuận tốt đẹp hơn nhiều” so với thỏa thuận trưng dụng tất cả các trương mục tiết kiệm, đã tan vỡ hồi tuần trước.
Trong bối cảnh những lo sợ về nguy cơ sụp đổ hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Trung ương Síp hôm qua đã áp đặt việc hạn chế số tiền được rút ra hàng ngày là 130 đôla từ các máy tiền tự động tại hai ngân hàng lớn nhất nước, để tránh tình trạng tháo ngân vì các chủ trương mục lo sợ về số tiền tiết kiệm của họ.
Không có thỏa thuận giờ chót, đảo quốc Síp nhỏ bé trong vùng Địa Trung Hải sẽ phải đối diện với tình trạng vỡ nợ. Nếu xảy ra thì Síp sẽ bị buộc phải từ bỏ đồng euro, và phải rút ra khỏi tổ chức khu vực này.