Châu Âu đối mặt với những lo ngại mới về kinh tế
Ngày thứ Năm, hàng ngàn công nhân tụ tập bên ngoài nơi họp hội nghị thượng đỉnh để phản đối những chính sách tiết kiệm các chính phủ châu Âu đã áp dụng để cắt giảm thâm thủng ngân sách và nợ dài hạn.
Các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu đối mặt với một phúc trình mới là con số những người làm việc trong khối 17 quốc gia sử dụng đồng euro trong những tháng cuối cùng của năm 2012 giảm ở mức thấp nhất trong gần 7 năm qua.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, bênh vực cho việc hạn chế ngân sách cho biết các nguyên thủ quốc gia sẽ “thảo luận về tăng trưởng và việc làm và làm thế nào để chống lại kinh tế đang trở nên xấu hơn tại châu Âu.”
Chủ tịch EU Herman Von Rompuy nói các nhà lãnh đạo “không thể làm ngơ trước tình trạng khẩn cấp về xã hội tại một số quốc gia chúng ta.” Tỉ lệ thất nghiệp của khu vực đồng euro đạt đến mức kỷ lục 11,9% vào tháng Giêng và có gần một trong số bốn người trẻ không có việc làm.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đang đối mặt với những yêu cầu gây tranh cãi tiếp tục kềm chế những chi tiêu gây thâm thủng đã buộc các nước châu Âu phải cứu nguy hệ thống ngân hàng Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha và đồng thời phải nỗ lực tăng tiến nền kinh tế trì trệ của châu lục này.
Trong một dấu hiệu cho thấy sự bất bình đối với các biện pháp tiết kiệm, một đảng chống tiết kiệm chiếm được 25% số phiếu trong cuộc bầu cử tại Ý tháng trước làm chính phủ nước này lâm vào tình trạng rối loạn.
Các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro có thể giảm bớt những điều kiện vay mượn đối với những quốc gia đang gặp khó khăn về tài chánh, nhưng Đức, nước đứng đầu trong khu vực đồng euro, vẫn chống lại việc giảm bớt lập trường đòi hỏi tiết kiệm của nước này.