Khi Tổng thống Barack Obama đến Cairo cách đây 4 năm, ông được ca ngợi là một người con của Châu Phi, một người mà cái tên đệm “Hussein” gợi ý một biến chuyển cơ bản trong bang giao giữa nước Mỹ và thế giới Hồi giáo và Ả Rập. Thậm chí ông còn nói một câu bằng tiếng Ả Rập trong bài phát biểu tại trường Ðại học Cairo:
"As salamu alaikum."
Trong cử tọa hôm ấy có cựu nhân viên tình báo Tướng Sameh Saif al Yazal. Ông nhớ lại ý nghĩ “Ta có một tay khá đây,” và sự thay đổi sắp diễn ra. 4 năm sau, ông nêu nhận định:
Ông Yazal nói: “Các kỳ vọng rất cao, nhưng khi nhìn vào thực tế, thì ít hơn nhiều so với kỳ vọng đó.”
Trong số những thất vọng có điều mà nhiều người trong khu vực coi như phản ứng chậm chạp của ông Obama trước các vụ nổi dậy “mùa xuân Ả Rập” chống lại các đồng minh lâu năm cũ của Hoa Kỳ, như ở Ai Cập, và sự kiện ông không hỗ trợ đủ - nhất là về mặt kinh tế.
Cư dân này ở Cairo lập luận rằng sự hỗ trợ ngay lúc này của Mỹ và châu Âu là điều quan trọng bởi vì “họ đã giúp các chế độ độc tài.”
Tướng Al Yazal nói quan điểm cho rằng Hoa Kỳ tiếp tục bênh vực quyền lợi của các chính phủ thay vì người dân vẫn chưa hết.
Ông Yazal nói: “Cảm nghĩ hiện nay là người Mỹ đang làm việc cho chính quyền Ai Cập và các chính quyền khác mà không nhìn vào người dân ngoài đường phố - xem họ muốn gì.”
Sự hợp tác chặt chẽ với chính phủ Yemen chẳng hạn cho phép Hoa Kỳ thực hiện các vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào những phần tử bị nghi là khủng bố. Nhưng số thương vong gây ra cho thường dân do những vụ tấn công gặp trục trặc đã khiến nhiều người dân thường Yemen xa lánh Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, phần lớn ông Obama đã được sự khen ngợi về việc giảm thiểu vai trò của quân đội Mỹ trong vùng. Các quan sát viên bên ngoài, như giáo sự Christian Donath của trường Ðại học American ở Cairo, hoan nghênh các hạn chế của Hoa Kỳ.
Ông Donath nói: “Chính quyền Obama đã hoàn tất được một công tác tương đối tốt trong việc tỏ ra rất thận trọng trong cách giải quyết vấn đề Syria, trong bối cảnh có một số quyền lợi xung đột nhau ở Syria. Và tôi cho rằng hiện nay thì một trong những điều quan trọng nhất ta có thể làm là tập trung vào vụ khủng hoảng nhân đạo.”
Ông Donath tin rằng mối quan tâm đối với các vấn đề nhân đạo và tiếp xúc thẳng với dân chúng có thể góp phần nhiều vào việc cải thiện vị thế của nước Mỹ. Nhưng ông nêu ra một điểm duy nhất tô màu lên gần như mọi thứ Hoa Kỳ làm trong thế giới Ả Rập – đó là quan hệ của Mỹ với Israel, điều sẽ là trọng điểm chuyến đi kỳ này của ông Obama.
Ông Donath cho biết: “Cơ bản đây sẽ là vấn đề khá gay go đối với Hoa Kỳ để cải thiện quan hệ của chúng ta với người dân, mà dường như là điều chúng ta tìm cách thực hiện, mà lại không tìm cách giải quyết cách nào đó vấn đề Israel – cũng là điều chúng ta không làm. Chúng ta chưa làm điều đó.”
Ngay như cả nếu ông Obama có thể giúp hồi sinh tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine trong chuyến đi của ông, thì rất ít người trông đợi động năng trong khu vực sẽ thay đổi nay mai.