Nam Triều Tiên: Ðe dọa của lãnh tụ miền Bắc là 'tâm lý chiến
Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên nói lời đe dọa mới của lãnh tụ Bắc Triều Tiên nhắm vào một hòn đảo biên giới nằm trong chiến thuật tâm lý nhằm mục đích thay đổi chính sách ở Washington và Seoul.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Kim Min-seok nói với các phóng viên rằng Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị một cuộc tập trận quy mô lớn vào cuối tháng này, và theo dự kiến, ông Kim Jong Un sẽ đến dự.
Phát ngôn viên này nói cuộc tập trận có thể dẫn đến hành động khiêu khích. Ông nói lực lượng Nam Triều Tiên đang theo dõi sát quân đội Bắc Triều Tiên.
Chiếm hàng đầu tin tức trong các chương trình phát thanh sáng nay của Bắc Triều Tiên là chi tiết về cuộc thanh tra của lãnh tụ nước này tại một đơn vị duyên hải được cho là sẵn sàng tấn công hòn đảo biên giới Baengnyeong của Nam Triều Tiên.
Phát thanh viên trích lời ông Kim Jong Un ra lệnh cho các binh sĩ biến hòn đảo dịch này thành một biển lửa.
Phát thanh viên nói ông Kim đã thông báo cho binh sĩ rằng một khi ông ban phát lệnh hãy để cho “kẻ thù ngu xuẩn” nếm mùi chiến tranh thực sự bằng cách “đánh gục và chấm dứt cuộc sống của bọn chúng.”
Theo bài phát thanh, lãnh tụ Bắc Triều Tiên còn nói rõ rằng Quân đoàn 4 phải tiêu diệt đài radar trên hòn đảo, tuyến phòng thủ đại bác, các phi đạn chống hạm Harpoon, các dàn phóng hỏa tiễn và các đơn vị súng cối nằm dưới sự kiểm soát của Ðơn vị 6 Thủy quân lục chiến Nam Triều Tiên.
Thông tấn xã bán chính thức Yonhap của Nam Triều Tiên nói các chuyến thăm mới đây của ông Kim đến các đơn vị dọc theo duyên hải tây nam đã gây quan ngại cho các quan sát viên địa phuơng về một vụ xung đột quân sự nữa trong vùng Hoàng Hải giữa hai nước Triều Tiên.
Lập luận ngày càng hiếu chiến của Bình Nhưỡng được đưa ra giữa lúc các biện pháp chế tài kinh tế được áp đặt bởi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ, và các cuộc thao dượt quân sự với sự tham gia của binh sĩ Mỹ và Nam Triều Tiên.
Một nhật báo lớn có chủ trương bảo thủ ở Seoul, tờ Joong Ang Ilbo, trích lời một giới chức chính phủ nói rằng các vũ khí hạt nhân, có thể đặt trên các tiềm thủy đĩnh, sẽ được để lại trong hải phận Nam Triều Tiên sau khi các cuộc tập trận chung kết thúc vào tháng tới.
Hoa Kỳ đã đưa hết vũ khí hạt nhân ra khỏi bán đảo vào năm 1991.
Khi được đài VOA đề nghị giải đáp, lực lượng Hoa Kỳ ở Triều Tiên đã công bố một thông cáo chung nói rằng Hoa Kỳ “vẫn quyết tâm” trong cam kết bảo vệ đồng minh của mình, bao gồm cả biện pháp răn đe mở rộng cung cấp bởi “lực lượng quy ước và một cái dù hạt nhân.”
Phát biểu với đài VOA với điều kiện không nêu danh tính, một giới chức tại Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, phủ nhận các bản tin của giới truyền thông Nam Triều Tiên nói rằng một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, các chiến đấu cơ thám thính và các oanh tạc cơ B-52 đã tham gia vào các cuộc tập trận thường niên ở Nam Triều Tiên và vùng lân cận. Nhưng giới chức này thừa nhận rằng một chiếc B-52 Stratofortress đã biểu diễn một “phi vụ thường lệ cho thấy sự hiện diện liên tục của oanh tạc cơ” vào ngày 8 tháng 3 gần bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ông nói phi vụ này không nằm trong khuôn khổ cuộc thao dượt.
Hải quân Hoa Kỳ thừa nhận sự tham gia của hai khu trục hạm có dàn phóng phi đạn điều khiển USS Larsen và USS McCampbell trong cuộc tập trận 'Ðại bàng con' bắt đầu vào ngày 1 tháng 3. Theo một sĩ quan hải quân, các tầu này tập trung vào việc “huấn luyện trong một cuộc chiến chống tiềm thủy đĩnh, kiểm soát nghênh cản trên không, thông tin liên lạc, chỉ huy và kiểm soát.”
Một cuộc thao dượt đồn chỉ huy khác có tên là Key Resolve bắt đầu trong tuần này. Cuộc thao dượt này đưa một số lực lượng Hoa Kỳ đến bán đảo từ các căn cứ ở nước ngoài. Các giới chức Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng đây thuần tuý là một cuộc huấn luyện phòng vệ.
Căng thẳng trên bán đảo đã lên tới các mức chưa từng thấy trong nhiều năm.
Bắc Triều Tiên cho rằng các cuộc tập trận hiện thời giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên nằm trong khuôn khổ một cuộc đối đầu đang leo thang chống lại họ và là tiền đề cho một vụ tấn công hạt nhân, khiến Bình Nhưỡng có lý do để chuẩn bị cuộc tấn công hạt nhân răn đe của chính mình.
Miền Bắc cũng đã loan báo bắt đầu từ ngày 11 tháng 3, họ đã phá vỡ thỏa thuận hưu chiến ký vào năm 1953, cùng với bộ chỉ huy quân sự đồng minh Trung Quốc và lực lượng Liên Hiệp Quốc đối nghịch.
Phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Martin Nesirky nói bất chấp lời khẳng định của Bình Nhưỡng, lệnh hưu chiến vẫn có hiệu lực.
Ông Nesirky nói các điều khoản của thỏa thuận đình chiến không cho phép bên nào được đơn phương thoát ra khỏi thỏa thuận. Và tổng thư ký Liên Hiệp Quộc chắc chắn sẽ lập lại hiệu lực và tầm quan trọng của thỏa thuận cấp thiết này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên Cho Tai-young nói với các phóng viên rằng Seoul yêu cầu Bình Nhưỡng rút lại tuyên bố vô hiệu hóa hiệp ước đình chiến, vì điều đó đe dọa hòa bình trong khu vực.
Ông Cho nói: "Cho dù Nam Triều Tiên không phải là một thành viên ký hiệp ước, phát ngôn viên này nói Seoul sẽ hoàn toàn tuân thủ hiệp ước, tăng cường hợp tác và thảo luận với Hoa Kỳ và Trung Quốc, nghiêm khắc đáp lại bất kỳ mưu toan nào của miền Bắc định hủy bỏ hiệp ước."
Lệnh hưu chiến nói chung đã giữ cho cuộc ngưng bắn có hiệu lực trong 60 năm vừa qua. Nhưng, hai nước Triều Tiên chưa hề ký một hoà ước hay bình thường hóa quan hệ, có nghĩa là trên nguyên tắc họ vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh trong nhiều thập niên sau đó.