Cơ sở di trú do Australia điều hành ở Papua New Guinea được mở lại vào cuối năm ngoái nhằm ngăn chặn luồng người tỵ nạn liên tục đổ đến Australia bằng tầu thuyền.
Các đại diện của Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đã dành 3 ngày để tìm hiểu về cơ sở trên đảo Manus hồi tháng giêng. Bản phúc trình của họ chỉ trích tình trạng chật chội bên trong trại, và nhấn mạnh rằng cơ sở bị cô lập này có khả năng gây tai hại cho trẻ em.
Liên Hiệp Quốc chống đối việc giam giữ người ở ngoài khơi. Ông Richard Towle, đại diện khu vực của Cao Uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, nói rằng ngoài nhiều vấn đề khác, rất khó mà đạt đuợc các tiêu chuẩn quốc tế ở những nơi hẻo lánh trong vùng Nam Thái Bình Dương.
Ông Towle nói sự thất bại chủ chốt là không có các khung sườn pháp lý được áp dụng cho các đơn xin của người tỵ nạn. Nếu mục đích duy nhất của việc chuyển từ Australia qua Papua New Guinea là để làm thủ tục cho người tỵ nạn, thì người ta trông đợi phải có một loại tiến trình được áp dụng cho mọi nguời khi họ đến đó. 221 người này đang bị giữ lại trong tình trạng bắt buộc bị cô lập và vô thời hạn, và đó là một sự vi phạm luật quốc tế rất nghiêm trọng.
Giới tranh đấu cho người tỵ nạn nói rằng trung tâm trên đảo Manus hiện giữ khoảng 250 người xin tỵ nạn, trong đó có hơn 30 trẻ em. Khoảng phân nửa số này là các gia đình từ Sri Lanka, trong khi những người còn lại xuất xứ từ Iran, Iraq, và Afghanistan.
Các tổ chức nhân quyền cũng đã lên án tình trạng tại một trại khác được Australia bảo trợ trên hòn đảo tí hon Nauru trong Thái Bình Dương.
Tiếp theo một cuộc thanh tra hồi tháng 12 năm ngoái, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết đã phát hiện điều họ gọi là “một sự pha trộn độc hại giữa sự bất định, giam giữ bất hợp pháp và các điều kiện vô nhân đạo” đang gây ra một “tình trạng ngày càng nguy hiểm.”
Chính phủ Australia từng tuyên bố sẽ tiếp tục cải thiện các cơ sở tại các trung tâm tạm giữ trên đảo Nauru và Manus.
Các vị bộ trưởng nhấn mạnh rằng các trại ngoài khơi đang có tác dụng ngăn cản những người tầm trú thực hiện hành trình nguy hiểm đến Australia. Phương án khác là mở rộng các cơ sở hiện hữu trên đất liền hay xây các trại mới, mà chính phủ muốn tránh thực hiện trong năm bầu cử.
Di trú có phần chắc sẽ là một vấn đề gây chia rẽ khi Australia tiến vào cuộc bầu cử tháng 9. Những người bảo thủ chỉ trích chính phủ Lao động lên án chính phủ là mất quyền kiểm soát biên giới trên biểu của Australia, trong khi Ðảng Xanh, có liên minh với chính phủ Lao động thì nói rằng cách đối xử của Canberra với những người xin tỵ nạn là vô nhân đạo.
Australia cấp các thị thực nhập cảnh cho khoảng 13.000 người tỵ nạn mỗi năm theo nhiều hiệp định quốc tế khác nhau.