Ông Kerry, người hầu như chắc chắn sẽ lên thay cho Ngoại trưởng Hillary Clinton khi bà rút lui trong tương lai gần đây, đã phát biểu tại một cuộc điều trần xác nhận của Thượng viện rằng ông “không tin là cần có một sự tăng mạnh lực lượng quân sự ở Á châu vào thời điểm này”. Ông nói rằng điều đó có thể gây bất bình một cách không cần thiết cho Trung Quốc.
"Ở đó chúng ta có những lực lượng nhiều hơn bất kỳ một nước nào khác trên thế giới, kể cả Trung Quốc. Và người Trung Quốc nhìn vào đó và họ nói rằng ‘Hoa Kỳ đang làm gì vậy? Họ đang tìm cách bao vây chúng ta chăng?’ Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải suy tính cặn kẽ hơn về cách thức để tiến tới.”
Từ khi Tổng thống Barack Obama loan báo chính sách được gọi là “trục xoáy Á châu” vào cuối năm 2011, Australia, Philippines, Singapore và các nước khác ở khu vực Á châu Thái bình dương đã nhận thấy một sự gia tăng quân số và trang thiết bị quân sự của Mỹ cũng như các chương trình hợp tác quân sự với Washington.
Các giới chức chính phủ Mỹ, những người giờ đây thường nói tới sự chuyển đổi này như một sự tái cân bằng, đã nhiều lần khẳng định là họ không tìm cách ngăn chận sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng nhiều người ở Bắc Kinh không tin như vậy và họ cho rằng càng ngày họ càng bị bủa vây nhiều hơn bởi các nước đồng minh của Mỹ.
Một số các nhà phân tích nói rằng việc ông Kerry thừa nhận những mối lo ngại đó mang một ý nghĩa quan trọng. Nhưng hiện chưa rõ phải chăng sự thừa nhận này sẽ đưa tới một sự thay đổi chiến lược của chính phủ của Tổng thống Obama, là người đã xem trục xoáy Á châu như một chính sách đối ngoại có tính chất dấu ấn trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông.
Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói rằng tổng thống là người quyết định về các cam kết quân sự, chứ không phải ngoại trưởng. Bà cho biết như sau trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA:
"Phát biểu đó quả thật có khác với những tuyên bố của vị bộ trưởng quốc phòng hiện nay. Nhưng rốt cuộc thì vấn đề về các cam kết quân sự là do tổng thống quyết định. Lập trường hiện nay của chính phủ là không giảm bớt cam kết quân sự của chúng ta ở Á châu."
Tại cuộc điều trần để được Thượng viện chuẩn thuận, ông Kerry đã tỏ ý tán đồng lập trường đó. Ông nói rằng ông không hề đề nghị giảm bớt lực lượng hiện nay ở Á châu và có những lý do chính đáng để quan tâm về những ý đồ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Stephen Lewis, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc của Đại học Rice ở Houston, nói rằng các giới chức Hoa Kỳ cần phải thừa nhận một sự thật là các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem chiến lược trục xoáy là một mối đe dọa. Ông nói:
"Đó là một điểm quan trọng cần được nêu lên, chủ yếu là vì điều này là điều mà chính phủ Trung Quốc vẫn luôn than phiền. Họ cho rằng họ có lý khi nêu câu hỏi là tại sao Hoa Kỳ chống lại những nỗ lực tiến ra nước ngoài của họ trong lúc trên thực tế Hoa Kỳ là nước có nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài."
Giáo sư Lewis nói rằng phát biểu của ông Kerry không đại diện cho một sự thay đổi có tính chất cơ bản trong chính sách của Mỹ. Ông nêu ra rằng không có giới chức nào trong chính phủ Mỹ đưa ra những phát biểu tương tự.
Nhà phân tích Glaser của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tán đồng nhận định đó. Bà nói thêm rằng tuy bà không nghĩ là chính sách của Mỹ nhắm vào Trung Quốc, nhưng cái nhìn của Trung Quốc đối với những hành động của Mỹ là một vấn đề cần lưu tâm. Bà nhận định:
"Tôi nghĩ rằng vị ngoại trưởng nào cũng cần có khả năng tự đặt mình vào vị thế của một nước khác trên thế giới và hiểu được cái nhìn của nước đó về nước Mỹ. Trung Quốc có một số quan tâm về chiến lược tái cân bằng của Mỹ. Chúng ta cần hiểu rõ cái nhìn đó, nhưng không có nghĩa là chúng ta đồng ý với cái nhìn đó."
Theo dự liệu, ông Kerry sẽ được Thượng viện chuẩn thuận để thay cho Ngoại trưởng Clinton và thượng nghị sĩ Robert Menedez của tiểu bang New Jersey sẽ lên thay ông để giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.