Văn Bút Anh kêu gọi Thủ tướng Cameron lên tiếng về nhân quyề
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 23/1 bắt đầu chuyến công du Anh trong hai ngày đánh dấu 40 năm quan hệ ngoại giao Việt-Anh.
Lời kêu gọi của Văn Bút Anh đặc biệt nhấn mạnh đến quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân tại Việt Nam và nạn đàn áp các ngòi bút thể hiện ý kiến trái với nhà nước.
Ông Robert Sharp, người đứng đầu phụ trách Truyền thông và các Chiến dịch vận động của Văn Bút Anh, cho VOA Việt ngữ biết:
“Thư ngỏ của chúng tôi gửi Thủ tướng Anh cũng được gửi tới các thành viên trong Quốc hội, tới Nhóm Dân biểu Liên đảng về Việt Nam thuộc lưỡng viện Quốc Hội Anh. Vấn đề quan trọng cốt lõi chúng tôi muốn nêu lên là không có quyền tự do bày tỏ quan điểm thì nước Việt Nam không thể thành công. Việt Nam bỏ tù những người cầm viết vì bày tỏ quan điểm cá nhân ôn hòa của họ thì làm thế nào mà quốc tế có thể tin tưởng những gì Việt Nam nói liên quan đến nhiều vấn đề khác như tham nhũng hay các dữ kiện kinh tế. Thủ tướng Anh nên quan tâm đến việc các doanh nghiệp Anh có nên đầu tư vào một nước như Việt Nam hay không khi mà nạn vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do bày tỏ quan điểm đã trở nên quá rõ ràng đến mức như vậy.”
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Văn Bút Anh nói tình trạng bị đàn áp của những người cầm bút và các nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam vốn gây quan ngại cho cộng đồng bảo vệ nhân quyền quốc tế lâu nay, nay lại đang xuống cấp trầm trọng.
Trên danh sách của Tổ chức Phóng viên Không biên giới liệt kê các nước cầm tù nhiều cư dân mạng nhất trên thế giới, Việt Nam xếp thứ ba.
Trong bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí gần đây nhất của tổ chức này, Việt Nam hạng 172/179 quốc gia được khảo sát.
Theo Ủy ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực các ngòi bút bị cầm tù, hiện có hơn 20 người cầm bút đang bị giam cầm tại Việt Nam kể cả các học giả, ký giả, nhà thơ, hay nhà văn.
Văn Bút Anh nêu lên rằng án tù nặng nề hôm 9/1 đối với các blogger trong nhóm 14 nhà hoạt động Công giáo và Tin lành tại Việt Nam đang gây phẫn nộ cho cộng đồng quốc tế. Văn Bút Anh bày tỏ sự ủng hộ khi thấy Liên hiệp Châu Âu và Liên hiệp quốc đồng loạt lên tiếng tỏ ra quan ngại sâu sắc sau các bản án này, hưởng ứng tinh thần của thỉnh nguyện thư do Văn Bút Quốc tế cùng với hàng chục tổ chức bảo vệ nhân quyền khác đồng ký tên.
Việt Nam lâu nay vẫn khẳng định không có người nào vì bày tỏ quan điểm mà đi tù, chỉ có những người vi phạm luật pháp Việt Nam mới bị xử lý. Quan điểm này bị Văn Bút Anh phản bác hoàn toàn.
Ông Robert Sharp:
“Đó là cái cớ lỗi thời của các thể chế độc tài. Vấn đề nằm ở chỗ luật của họ vi phạm quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm của công dân, những quyền căn bản của con người được cả thế giới công nhận. Những luật mà chính phủ Việt Nam nói đến đó hãm hại chính người dân của họ. Cho nên, chúng tôi đề nghị trả tự do cho những người tù lương tâm và đồng thời kêu gọi những nhà làm luật của Việt Nam nhìn lại luật lệ của mình để sửa đổi thỏa đáng để biến Việt Nam thành một đất nước tự do hơn và hoàn thành các cam kết mà Hà Nội đã tự nguyện đưa ra với quốc tế.”
Văn Bút Anh nói kinh nghiệm thực tế và đặc biệt là từ trường hợp của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, hội viên danh dự của Văn Bút Anh hiện đang tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ, cho thấy áp lực từ cộng đồng quốc tế thật sự có thể mang lại sự thay đổi. Vì vậy, tổ chức bảo vệ các ngòi bút bị đàn áp có trụ sở tại Anh này hy vọng Thủ tướng Anh David Cameron sẽ nêu vấn đề nhân quyền với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của đảng cộng sản Việt Nam và kêu gọi Hà Nội phóng thích ngay lập tức, vô điều kiện, tất cả những ai đang bị cầm tù chỉ vì bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa, những nạn nhân của tình trạng vi phạm nhân quyền và tình trạng vi phạm Công ước Liên hiệp quốc về Quyền Chính trị-Dân sự của công dân mà Việt Nam đã tham gia ký kết với quốc tế.
Anh Quốc là chặng dừng chân kế tiếp của ông Nguyễn Phú Trọng trong chuyến công du Châu Âu lần đầu tiên.
Trong các cuộc gặp giữa ông Trọng với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và Ủy ban Châu Âu tại Bỉ trước đó, thực trạng nhân quyền xuống dốc của Hà Nội cũng đã được nêu lên với người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam.