Hiệp ước có tính chất cưỡng hành đầu tiên về thuỷ ngân đã đạt được ngày hôm nay sau một tuần đàm phán ở Geneve, Thụy Sĩ, nhằm giảm thiểu mức khí thải toàn cầu của loại kim loại nặng gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường.
Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc cho biết trong một bản phúc trình mới đây rằng mỗi năm trên toàn thế giới có gần 2.000 tấn thủy ngân được phát tán vào không khí do những hoạt động của con người. Phần lớn chất độc hại này rốt cuộc sẽ tích tụ trong rau quả, đất đai, biển và sông hồ.
Hồi đầu tuần này, ông David Peper, Phó Giám đốc Phòng Hóa học của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, cho biết phần lớn sự phô nhiễm của con người đối với thủy ngân là do tiêu thụ cá bị ô nhiễm.
Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc cho biết nhu cầu thủy ngân toàn cầu đang giảm đi chút đỉnh vì nhiều nước phát triển đang áp dụng các biện pháp để giảm thiểu việc sử dụng thủy ngân. Nhưng cơ quan này cũng ghi nhận là việc sử dụng thủy ngân đang gia tăng ở các nước đang phát triển.