Thủ tướng Nhật Bản công du Ðông Nam Á để thúc đẩy đầu tư
Đây là chuyên thăm Thái Lan lần đầu tiên từ trên 1 thập niên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản.
Tại một buổi xuất hiện chung với Thủ tướng Thái Yingluck Shinawat ở Bangkok, ông Shinzo Abe kêu gọi Thái Lan nắm vai trò dẫn đầu trong Hiệp hội các Quốc gia Ðông nam Á, ASEAN.
Ông Abe nói có các thay đổi sách lược quan trọng đang diễn tiến ở châu Á và vùng Thái bình dương, và ông trông đợi hợp tác với Thái Lan để giải quyết các vấn đề với sự hỗ trợ của việc hòa nhập với ASEAN.
Nhật Bản là đối tác thương mại hàng đầu của Thái Lan với đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 10 tỷ đôla tập trung và sản xuất xe hơi, máy điện toán và kỹ thuật thông tin.
Các doanh nghiệp Nhật Bản phải tái đầu tư hàng tỷ đôla vào Thái Lan sau khi các khu vực công nghiệp quan trọng bị tác động của nạn lụt năm 2011.
Thủ tướng Yinluck Shinawat bầy tỏ sự lạc quan về sự bành truớng kinh tế của Nhật Bản cũng như công cuộc mậu dịch song phương mới được khai phóng giúp Thái lan xuất khẩu thêm nông sản.
Bà Yingluck nói Nhật Bản đã bầy tỏ sự quan tâm đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và phòng chống lụt của Thái Lan – trong đó có đường hỏa xa cao tốc cũng như hợp doanh với Miến Ðiện để phát triển vùng công nghiệp Dawei.
Thái Lan trông đợi Nhật Bản là nguồn tài trợ chính cho một dự án được hoạch định lần đầu cách đây gần 1 thập niên khi người anh của thủ tướng, nhà lãnh đạo bị lật đổ Thaksin Shinawat còn nắm quyền.
Ông Sihasak Phunangketkeow, bí thư thưòng trực tại Bộ Ngoại giao Thái, nói rằng sự cam kết mới của Nhật Bản đối với khối ASEAN gồm 10 nước thành viên là điều quan trọng.
Ông nói: “Sự kiện ông Abe chọn 3 nước ASEAN, trong đó có Thái Lan, tôi cho là chứng tỏ tầm quan trọng mà Nhật Bản gán cho ASEAN nói chung. Nhưng sự kiện cũng diễn ra vào một thời điểm mà tôi cho rằng chúng ta mong muốn khu vực này thụ hưởng tiến bộ và thịnh vượng, vì thế vai trò của Nhật Bản rất quan trọng đối với phát triển kinh tế của khu vực.”
Các giới chức Nhật Bản nói rằng việc củng cố quan hệ với ASEAN dựa vào điều họ gọi là một “bầu không khí sách lược thay đổi” trong khu vực với Việt Nam, Thái Lan và Indonesia được coi như “trung tâm tăng trưởng” trong nền kinh tế toàn cầu.
Trong các cuộc họp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono vào xế chiều thứ Sáu, ông Abe đã đề cập đến các vấn đề hợp tác chặt chẽ hơn trong các lãnh vực an ninh và chính trị.
Ông đã cắt ngắn chuyến thăm Jakarta hôm nay để trở về Nhật Bản giải quyết vụ khủng hoảng con tin có can dự đến một số người mang quốc tịch Nhật ở Algeria.
Các chuyên gia phân tích nói sách lược đối ngoại của ông Abe hướng tới việc giải quyết căng thẳng ngày càng tăng với Trung Quốc, nhất là về các vụ xung đột ở biển Hoa Ðông, nơi hai nước đang tranh chấp về một khu vực được cho là có nhiều tiềm năng dầu khí.
Trung Quốc cũng có xung đột trong vùng biển Nam Trung Hoa, tức biển Ðông, nơi Việt Nam, Philippin, Ðài Loan, Brunei và Malaysia đều chống lại việc Trung Quốc đòi chủ quyền trong khu vực cũng giàu tài nguyên năng lượng.
Chuyến công du của ông Abe trong vùng đã khơi ra những lời bình luận gay gắt trên các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, nơi chuyến đi được coi như nằm trong sách lược kiềm chế Trung Quốc.
Trong một bản tin hôm thứ Sáu, tờ China Daily gọi chính sách ngoại giao của ông Abe nhằm củng cố quan hệ với ASEAN là một “chủ thuyết sẽ leo thang căng thẳng trong vùng.”
Giao thương giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã sụt giảm kể từ khi vụ tranh chấp biển Hoa Ðông bùng nổ, vì những vụ tẩy chay và các vụ biểu tình nặng tinh thần dân tộc ở Trung Quốc phản đối các sản phẩm Nhật Bản.
Các giới chứcThái nói Nhật Bản hy vọng Thái Lan, trong tư cách là nước phối hợp quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc trong đoản kỳ, sẽ có khả năng giúp tiến tới một thỏa thuận trong những vụ tranh chấp chủ quyền ở biển Ðông.