Phiên xử nhà hoạt động Nguyễn Quốc Quân sẽ diễn ra tuần tới
Ông Nguyễn Quốc Quân bị bắt giam từ tháng tư năm ngoái khi vừa về đến sân bay Tân Sơn Nhất, thoạt đầu bị cáo buộc tội ‘khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân’ theo điều 84 vì các tài liệu cổ xúy đấu tranh ôn hòa trong máy tính xách tay. Sau 4 tháng tạm giam, nhà cầm quyền Việt Nam đổi cáo buộc đối với ông sang tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự.
Trong cuộc trao đổi với VOA Việt Ngữ, luật sư Nguyễn Thị Ánh Hương, đại diện pháp lý cho tiến sĩ Quân, xác nhận thông tin về phiên xử ông Quân tuần tới:
Luật sư Ánh Hương: Phiên xử ông Nguyễn Quốc Quân vào ngày 22/1/13 lúc 8 giờ sáng ở Tòa án Nhân dân TPHCM, 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
VOA: Lần mới nhất luật sư được gặp ông Quân vào tuần rồi, nội dung trao đổi, tinh thần, và ý hướng của ông như thế nào?
Luật sư Ánh Hương: Ông Quân nói ông vô tội. Ông cho rằng ông không vi phạm gì cả. Những điều trong cáo trạng và bản kết luận điều tra có những vấn đề ông không đồng ý và ông sẽ trình bày trước tòa. Cho tới nay mọi việc gần xong, gần kết thúc rồi. Còn một, hai buổi nữa vô để thống nhất bản luận cứ cuối cùng.
VOA: Luật sư hy vọng tỷ lệ thành công của bà tại phiên xử ông Quân sắp tới đây thế nào?
Luật sư Ánh Hương: Còn tùy quan điểm của tòa vì có những điều chưa thống nhất. Ông Quân là người có quốc tịch nước ngoài, có những hoạt động ở bên ngoài được, nhưng lại không phù hợp với quy định của Việt Nam. Còn mâu thuẫn đó. Nếu quan điểm của tòa mà không cho rằng đó là mâu thuẫn thì tôi cho là tốt. Nhưng vấn đề còn lại phải do tòa quyết định.
VOA: Có những yếu tố hay tình tiết nào luật sư tin rằng có thể giúp ông Quân, bảo vệ ông Quân trong phiên xử tới đây không?
Luật sư Ánh Hương: Đó là ông Quân vừa về Việt Nam là bị bắt ngay. Ông chưa làm một điều gì khác hết.
VOA: Cáo buộc đối với ông có dựa trên những căn cứ nào khác ngoài những tài liệu đấu tranh bất bạo động trong máy tính xách tay của ông, thưa luật sư?
Luật sư Ánh Hương: Có một quá khứ của ông là ông đã về Việt Nam và bị trục xuất. Sau đó, ông trở lại Việt Nam đổi tên. Người ta cho rằng ông nhằm tránh sự cản trở của pháp luật nên đổi tên. Họ cho việc này có mục đích không tốt, chống đối nhà nước quyết liệt. Nhưng tất cả mọi cái còn phải dựa trên chứng cứ và kết quả của những việc làm đó nữa. Chứ còn nếu chỉ nhìn như thế mà kết luận thì tôi cho rằng chưa đủ.
Vợ Tiến sĩ Quân cho VOA Việt ngữ biết bà sẽ tìm cách về Việt Nam tham dự phiên xử chồng mình dù trong lần ông Quân ra tòa hồi năm 2007 bà Mai Hương đã bị Việt Nam vào phút chót từ chối không cho nhập cảnh:
"Hiện tại tôi đang nhờ bên tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam gửi giấy qua tòa án xin cho tôi được tham dự phiên tòa cũng như giúp tôi có được visa để nhập cảnh về Việt Nam. Năm 2007 tôi cũng đã tìm cách để về. Lúc đó tôi có được visa, nhưng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco đã gọi tôi đòi lại cái visa đó. Tôi không đồng ý. Họ nói nếu tôi không đồng ý thì khi tôi về đến nơi cũng sẽ bị họ đuổi ra thôi."
Phiên xử Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân dự kiến sẽ là phiên xử thứ nhì trong năm nay gây chú ý công luận trong và ngoài nước, nhất là đối với giới bảo vệ nhân quyền quốc tế, sau bản án của 14 nhà hoạt động Công giáo về cùng tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ vì cáo buộc tham gia với đảng Việt Tân mà Tiến sĩ Quân cũng là một thành viên.
Ông Quân từng bị Hà Nội bắt giam trong lần về nước trước đây hồi tháng 11 năm 2007 với cáo buộc tội ‘khủng bố’.
Trước áp lực của quốc tế, lần đó Việt Nam đã phóng thích và trục xuất ông sau nửa năm giam cầm.
Vụ bắt giữ ông lần này được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đề cập tới và được nêu lên trong thư của một số dân biểu Mỹ yêu cầu cách chức đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam vì cho rằng ông David Shear đã thất bại trong việc thúc đẩy Việt Nam cải thiện nhân quyền.