Cấm vận của phương Tây tác động mạnh đối với Iran
Tuần trước, Tổng thống Obama đã quyết định áp dụng một vòng chế tài mới nhắm vào các khu vực năng lượng và hàng hải của Iran. Các biện pháp này củng cố thêm nhiều biện pháp chế tài đơn phương và đa phương đối với công nghiệp và các ngân hàng của Iran.
Các biện pháp nhắm mục đích ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran. Phương Tây cho rằng Iran đang tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân. Tehran thì nói chương trình này phục vụ các mục đích dân sự.
Iran đã tỏ ý sẵn sàng mở một vòng đàm phán mới với các cường quốc trên thế giới, với nhóm được gọi là P5+1 gồm Hoa Kỳ, Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp và Đức.
Jamie Ingram, thuộc tổ chức IHS Global Insight, nói các biện pháp chế tài đang buộc Iran phải trở lại bàn thương nghị.
Ông Ingram nói: “Chế tài đang tác động mạnh đến túi tiền của Iran. Cùng với các hạn chế về nhập khẩu, là tình trạng thiếu hụt thực phẩm ngày càng tăng.”
Công cuộc giao thương của EU với Iran – ngay cả trong các mặt hàng được phép – đã sụt giảm đáng kể trong những tháng gần đây. Đó là vì các ngân hàng Châu Âu lo sợ trước sự giận dữ của Hoa Kỳ, theo nhận định của ông Nigel Kushner, trưởng ban quản trị của W Legal, là cơ quan tham vấn các công ty về việc giao thương với Iran.
Ông Kushner nói: “Người ta nghi rằng phía Mỹ sẽ nói nhỏ với họ, và yêu cầu họ đừng làm như thế. Vậy là họ sẽ không làm cho dù được phép. Hôm qua tôi có nói chuyện với một ngân hàng Thụy Sĩ và họ nói rằng chúng tôi muốn nhận tiền chi trả cho các sản phẩm y khoa, hay hàng hóa nhân đạo gửi đến Iran, nhưng chúng tôi sợ hãi không dám làm thế.”
Ông Kushner nói Iran đang trông mong vào các nước không thuộc quyền tài phán của các biện pháp chế tài để có được những gì họ cần.
Ông Kushner cho biết: “Có thể phải mất nhiều thời gian hơn, thủ tục rườm rà hơn, và tốn kém hơn, nhưng thường họ trông đợi vào các nước như Trung Quốc, có thể là Thổ Nhĩ Kỳ, là những nước không cần phải tuân thủ chế tài.”
Các biện pháp chế tài ngân hàng đang gây khó khăn nhiều nhất cho Iran, theo nhận định của chuyên gia phân tích Ali Fathollah-Nejad của trường Đại học London.
Chuyên gia Fathollah-Nejad nói: “Ta thấy các biện pháp chế tài khủng khiếp về tài chính và ngân hàng, là tâm điểm bão gây tê liệt mọi ngành dân sự trong nền kinh tế.”
Ông Fathollah-Nejad lập luận rằng phương Tây phải đưa vấn đề chế tài vào bàn thương nghị trong bất kỳ cuộc đàm phán nào sắp tới nếu tìm ra được một giải pháp ngoại giao nào đó.
Ông Fathollah-Nejad nhận xét: Về mặt phát triển kinh tế, về mặt phúc lợi của dân chúng, về mặt phúc lợi cho xã hội dân sự, là điều mà người dân Iran trong cũng như ngoài nước đều quan tâm rất nhiều. Và đây là điều cần phải đưa ra bàn thương nghị.”
Nếu các cuộc đàm phán xúc tiến, đây sẽ là các cuộc đàm phán mới nhất trong một loạt đàm phán kéo dài. Các chuyên gia trông đợi một sự tập trung vào việc xây dựng niềm tin ngắn hạn hơn là một giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó, các biện pháp chế tài là một đề tài sôi nổi tại Washington sau khi Tổng thống Obama loan báo người ông định chọn làm tân bộ trưởng quốc phòng.
Tổng thống Obama nói: "Ông Hagel, một cựu Thượng nghị sĩ của đảng Cộng Hoà, là người trước đây có thành tích chống đối các biện pháp chế tài đơn phương đối với Iran. Và nếu các cuộc đàm phán quốc tế với Iran thất bại, ông Hagel và Ngũ Giác Đài sẽ rơi vào giữa một quyết định của Hoa Kỳ liệu có tấn công Iran về mặt quân sự hay không."