Công chúng Ấn không được dự phiên toà sơ khởi vụ án cưỡng hi
Vị nữ thẩm phán loan báo lệnh cấm công chúng dự khán, không lâu sau khi các nghi can tới tòa án vào sáng thứ Hai, giờ New Dehli, tại một tòa án đặc biệt có mục đích gia tốc tiến trình xét xử, được gọi là “tòa án tốc hành”.
Vị thẩm phán nói rằng các cuộc biểu tình ồn ào trong phòng xử sẽ cản trở tiến trình tố tụng.
Phiên tòa hôm nay là một phiên sơ khởi có tính cách thủ tục trước khi ngày xét xử được ấn định.
Nhà chức trách Ấn Độ đã khởi tố những người đàn ông trong cuộc về tội sát nhân, hãm hiếp, bắt cóc và các cáo trạng khác trong cuộc tấn công xảy ra hôm 16 tháng 12.
Các giới chức nói họ sẽ yêu cầu tòa án tuyên án tử hình, nếu các nghi phạm bị kết tội.
Trong một nỗ lực nhằm được giảm án, 2 trong số các bị cáo nói với tòa án rằng họ muốn trở thành nhân chứng cho phe công tố.
Một nghi can thứ 6 còn dưới 18 tuổi, nên sẽ bị truy tố riêng rẽ tại một tòa án vị thành niên.
Ấn Độ thiết lập tòa án tốc hành để xét xử những người đàn ông bị tố cáo đã thực hiện vụ hãm hiếp tàn bạo.
Đây là một trong 5 tòa án tốc hành được thành lập tại New Dehli, khét tiếng là “thủ đô hãm hiếp” của Ấn Độ.
Các tòa án sẽ xét xử các vụ tấn công tình dục và các hình tội khác chống lại phụ nữ trong một nỗ lực nhằm tránh các thủ tục thường lệ của hệ thống tòa án quá tải của Ấn Độ, nơi mà các vụ tố tụng có thể kéo dài nhiều năm trước khi được giải quyết.
Các luật sư có mặt tại tòa án hôm thứ Hai đã tổ chức một cuộc biểu tình, lên án các luật sư đã đứng ra để bào chữa cho những bị cáo.
6 nghi phạm bị tố cáo đã đánh đập người phụ nữ và một người bạn phái nam của nạn nhân, sau khi lừa họ lên một chiếc xe buýt. Cả hai đã bị đánh bằng một cây sắt. Người phụ nữ bị hãm hiếp và chiếc thanh sắt được sử dụng trong vụ hãm hiếp.
Người phụ nữ mà danh tính vẫn còn được giữ kín qua đời hôm 29 tháng 12 tại một bệnh viện ở Singapore, nơi cô đã được đưa tới chữa trị.
Vụ hãm hiếp và cái chết của nạn nhân đã gây phẫn nộ trên khắp nước. Những người biểu tình kêu gọi phải có những luật lệ chống hãm hiếp nghiêm khắc hơn, phải cải cách triệt để lực lượng cảnh sát, và một chuyển biến trong cách đối xử với phụ nữ tại Ấn Độ.