Vụ đụng độ ở Kashmir có ảnh hưởng quan hệ Ấn-Pakistan?
Các giới chức quân đội Pakistan nói rằng hồi sáng chủ nhật binh sĩ Ấn Độ đã vượt qua biên giới có tranh chấp được gọi là “Lằn ranh Kiểm soát” và đột kích một tiền đồn của Pakistan trong vùng Bagh. Họ cho biết binh sĩ Ấn Độ đã rút lui sau một cuộc chạm súng.
Các giới chức quân đội Ấn Độ nói rằng tố cáo của Pakistan là “vô căn cứ” và binh sĩ Ấn Độ chỉ bắn trả sau khi gặp phải hỏa lực từ phía bên kia ranh giới.
Ấn Độ và Pakistan đã tố cáo lẫn nhau về nhiều vụ vi phạm đối với một cuộc ngưng bắn ở Kashmir được loan báo năm 2003.
Nhưng trong những tháng gần đây hai lân bang có vũ khí hạt nhân này đã thực hiện những bước tiến đáng kể để bình thường hóa các mối quan hệ thương mại, văn hóa, thể thao và chính trị. Tháng trước, Ấn Độ và Pakistan ký kết một hiệp định có tính chất dấu mốc để nới lỏng những hạn chế về thị thực nhập cảnh nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc du hành xuyên biên giới.
Hai nước Nam Á này đã xảy ra chiến tranh với nhau 3 lần và quân đội Pakistan đã huấn luyện và trang bị để chuẩn bị cho một cuộc xung đột khác nữa.
Tuy nhiên, có tin cho hay trong thời gian gần đây quân đội Pakistan đã sửa đổi chủ thuyết quân sự này vì họ phải giao tranh với các mạng lưới khủng bố trong nước và nước ngoài như al-Qaida và phe Taliban ở Pakistan. Những phần tử hiếu chiến này đã bám rễ trong vùng bộ tộc tây bắc giáp với Afghanistan.
Bộ trưởng Thông tin Pakistan Qamar Zaman Kaira nói với đài VOA rằng sự cải thiện quan hệ với Ấn Độ đã giúp giảm bớt mối đe dọa từ bên ngoài đối với nước ông.
Ông Kaira cho biết: "Vâng, chúng tôi có một quá khứ đầy khó khăn với Ấn Độ. Hai nước đã giao chiến với nhau 3 lần. Các lực lượng của chúng tôi có quyết tâm và lúc nào cũng đề phòng mối đe dọa của Ấn Độ. Mối đe dọa này chưa chấm dứt. Đương nhiên là mối đe dọa vẫn còn đó. Nhưng giờ đây mối đe dọa trong nước đã vượt lên chiếm chỗ. Hiện nay đây là mối đe dọa lớn hơn. Pakistan là nạn nhân lớn nhất của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan."
Pakistan là một đồng minh của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố và các giới chức Pakistan nói rằng trong 10 năm qua nước họ đã gánh chịu những tổn thất nhiều chưa từng có trong cuộc chiến này.
Tuy nhiên, những cáo giác cho rằng quân đội Pakistan chứa chấp những tổ chức cực đoan chuyên tấn công chính phủ Afghanistan và các lực lượng liên minh ở nước này tiếp tục là một nguồn gây căng thẳng ngoại giao giữa Islamabad và Washington.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm thứ 7, Phó Đại sứ Mỹ ở Pakistan Richard Hoagland nói rằng Hoa Kỳ cảm kích những nỗ lực chống khủng bố mà Pakistan đã tăng cường hồi gần đây.
Ông Hoagland nói: "Việc Pakistan và Hoa Kỳ nhận thức mối nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, tìm ra những cách thức thỏa đáng và có hiệu quả để làm việc chung với nhau là phù hợp với lợi ích của tất cả mọi người và đó là việc mà chúng tôi rất cảm kích."
Việc giới hữu trách ở Islamabad do dự không muốn loại bỏ những căn cứ của các phần tử nổi dậy Afghanistan trên lãnh thổ Pakistan đã khiến Hoa Kỳ phải dùng máy bay không người lái để tấn công những mục tiêu của các phần tử hiếu chiến.
Vụ tấn công mới nhất được thực hiện hôm chủ nhật trong vùng bộ tộc Nam Waziristan, giết chết hơn 10 người bị nghi là quân khủng bố. Hôm thứ tư, một vụ tấn công bằng máy bay không người lái đã giết chết một thủ lãnh hàng đầu của phe hiếu chiến Pakistan là Mullah Nazir tại nơi ẩn náu trong cùng khu vực này.