Các nhà khoa học gọi vùng giữa Thái Dương Hệ và không gian vũ trụ là “xa lộ từ tính.” Các nhà thiên văn nói rằng phi thuyền Voyager vẫn còn trong vòng ảnh hưởng của Mặt Trời, nhưng đã tới một khu vực trong đó những bụi năng lượng cao từ không gian vũ trụ bắt đầu đổ vào.
Khoa học gia Edward Stone thuộc Viện Kỹ Thuật California thực hiện dự án này nói rằng, trước đây các nhà thiên văn không biết về biên giới cuối cùng được phi thuyền Voyager khám phá này:
“Đó là một xa lộ từ tính, nơi từ trường của Mặt Trời vẫn còn ở bên trong rõ ràng. Nhưng từ trường giờ đây được nối với bên ngoài, để cho những mảnh bụi vào và ra.”
Ông Stone nói có lẽ phải vài ba năm nữa thì phi thuyền Voyager mới vượt qua xa lộ từ tính. Khám phá mới nhất này của Voyager được các nhà thiên văn mô tả tại hội nghị của Hội Địa Vật Lý Hoa Kỳ ở San Francisco hôm thứ Hai.
Phi thuyền Voyager 1 và phi thuyền thăm dò không gian Voyager 2 được phóng đi năm 1977 cách nhau 16 ngày. Ở vị trí cách xa Trái Đất 18 tỉ kilomet, Voyager là vật thể nhân tạo ở xa nhất. Voyager 2 thì ở cách xa Trái Đất khoảng 15 tỉ kilomet. Một tín hiệu từ Voyager 1 phải mất khoảng 17 giờ mới tới được Trái Đất.
Ông Stone nói rằng Voyager 1 có đủ điện để tất cả các dụng cụ của nó tiếp tục hoạt động cho tới năm 2020.
Đây là phi thuyền từ Trái Đất đã thực hiện một chuyến đi xa hành tinh của chúng ta nhất.