Bão Sandy: Một cảnh báo về hiện tượng khí hậu biến đổi?
Ông Elwyn Grainger-Jones nhận định đây là một nghi vấn không bao giờ chấm dứt: liệu biến đổi khí hậu có là yếu tố tạo ra những cơn bão ngày một lớn và có cường độ ngày càng mạnh hay không? Ông nói:
“Các nhà khoa học nói rõ rằng những yếu tố vật lý đang trong tình trạng mà nếu quả địa cầu đang ấm dần lên, thì có phần chắc là nhiệt độ các vùng biển cũng ấm hơn, thì cường độ của các cơn bão sẽ tăng lên. Có thể chúng ta sẽ có cùng số liệu các cơn bão như trong quá khứ. Nhưng những cơn bão này có cường độ mạnh hơn. Đó là điều mà chúng ta đã chứng kiến trong 40 năm qua- rằng số lượng các cơn bão nhiệt đới, những trận bão lớn, vẫn như những năm trước tuy nhiên, các trận bão này ngày càng tăng cường độ.”
Ông Grainger-Jones là Giám đốc phụ trách Ban Môi trường và Khí hậu tại Quỹ Quốc tế Phát triển Nông nghiệp (IFAD). Ông dùng những thuật ngữ giản dị để giải thích tình hình này:
“Tôi nhìn vấn đề theo khía cạnh này: giả dụ như các nhà khoa học nói với bạn rằng căn nhà của bạn có thể sẽ bị cháy, liệu bạn có trả lời rằng tôi cần biết chắc chắn trước khi mua bảo hiểm nhà và bình chữa lửa, hay nguy cơ đó có đủ cao để tôi phải bỏ tiền đầu tư vào các món ấy không. Theo tôi thì bão Sandy đã nói điều đó với chúng ta. Cơn bão đó là một chỉ dấu hé lộ tương lai có thể sẽ như thế nào.”
Các mô hình về biến đổi khí hậu đã tiên đoán nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng từ 2 đến 6 độ C trong vòng một thế kỷ. Con số đó có vẻ như không cao bao nhiêu, nhưng các nhà khoa học của Quỹ Quốc tế Phát triển Nông nghiệp nói con số đó rất cao.
“Người ta sẽ cảm thấy nhiệt độ ấm như thế nào khi hiện tượng này xảy ra. Đã có nhiều cuộc nghiên cứu về hệ quả mà các mức nhiệt độ cao sẽ thực sự tác động như thế nào đối với con người. Những người mà Quỹ Quốc tế Phát triển Nông nghiệp đang hợp tác, là các nông dân nghèo nhỏ lẻ, thì biến đổi khí hậu sẽ tác hại tới kế sinh nhai của họ. Họ là thành phần ở tuyến đầu của biến đổi khí hậu. Điều gì sẽ xảy khi họ không còn đủ nước, hay khi nhiệt độ tăng tới mức hạt giống không thể nẩy mầm trong các điều kiện thời tiết đó, hay nếu lưu lượng nước sông giảm sút?
Ông Grainger-Jones nói khí hậu ấm hơn cũng ảnh hưởng tới những nước giàu có khi giá lương thực tăng, xảy ra nhiều cơn bão lớn hơn và mực nước biển dâng cao, gây sức ép đối với các thành phố ven biển.
“Điều này không có nghĩa là nhà cửa của họ sẽ ngập lụt liên miên, nhưng để tránh chuyện này xảy ra, nhưng họ phải tiêu tốn một số tiền đáng kể để đầu tư vào cấu trúc hạ tầng nhằm bảo vệ các thành phố biển tránh bị ngập lụt. Do đó bằng cách này hay cách khác, biến đổi khí hậu sẽ có tác động làm thay đổi đời sống của hầu hết mọi người trên hành tinh, nếu chúng ta phải đối mặt với những con số tương tự. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải tránh xa bất cứ ảo tưởng nào rằng chúng ta sẽ được trải qua những mùa đông tốt đẹp hơn xưa.”
Ông Grainger-Jones nói hầu hết những mô hình khí hậu đều tiên đoán nhiệt độ sẽ tăng dần theo thời gian, nhưng vài người tiên đoán sẽ có một thay dổi đột ngột hơn.
Ông nói hiện nay, nhiệt độ đã tăng khoảng 1 độ C tính từ thời kỳ tiền công nghiệp, sự kiện mà một số người cho là đang ảnh hưởng tới khí hậu ngày nay:
“Chúng ta đang chứng kiến mực nước biển dâng lên ảnh hưởng tới rất nhiều cộng đồng mà chúng ta đang hợp tác, chẳng hạn tại Senegal hay vùng đồng bằng sông Mekong, bởi vì có rất nhiều người nghèo sống trên những vùng đất bằng phẳng ngay sát biển.”
Trong khi hầu hết các khoa học gia nói con người đã góp phần làm biến đổi khí hậu qua việc thải khí nhà kính, một nhóm nhỏ hơn vẫn duy trì lập trường cho rằng khí hậu biến đổi là một phần trong các chu kỳ tự nhiên của trái đất. Ông nhận định:
“Luôn luôn có một chu kỳ tự nhiên về thời tiết. Tuy nhiên tốc độ và cường độ của cách vấn đề biến đổi khí hậu đang được trải nghiệm và dự báo trải nghiệm, vượt quá khả năng thích ứng hiện nay của rất nhiều cộng đồng trên thế giới.”
Giám đốc Ban Môi trường và Khí hậu tại Quỹ Quốc tế Phát triển Nông nghiệp Grainger-Jones nói con người không thể kiểm soát thiên nhiên qua công nghệ, nhưng con người có thể học hỏi cách làm thế nào để sống hòa hợp với thiên nhiên.
Quỹ Quốc tế Phát triển Nông nghiệp đang giúp những nông dân nhỏ lẻ thích ứng với biến đổi khí hậu bằng các kỹ thuật thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên ông nói cần phải có một thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu- một mục tiêu rất khó thực hiện, để có thể giải quyết vấn đề một cách toàn diện.
Ông Grainger-Jones nói thêm rằng biến đổi khí hậu không chỉ tác động tới môi trường, hiện tượng này bất chấp các nghị trình chính trị, và sẽ tác động trực tiếp tới kinh tế và sức khỏe con người.